Chiến lược đa ngành của bà bán bún bò

Chiến lược đa ngành của bà bán bún bò

Công ty/ Tập đoàn đa ngành là một Công ty/ Tập đoàn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực/ sản phẩm khác nhau, những lĩnh vực đó có yêu cầu chuyên môn quản lí cao, có người tiêu dùng đa dạng, sản xuất các sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau. Một trong những lợi thế của công ty đa ngành là nó giúp giảm tác động từ những biến động bất thường trong bất kì một ngành nào. Các Công ty/ Tập đoàn có thể trở nên đa ngành bằng cách tự mình tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới hay sáp nhập, mua lại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoặc dịch vụ khác.

Tuy nhiên, không phải Công ty/ Tập đoàn đa ngành nào cũng có chiến lược được hoạch định bài bản và chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do từng có nhiều Công ty/ Tập đoàn phát triển nhanh như vũ bão, rồi sau đó trở thành tơi bời trong… mưa bão.

Một bà bán bún bò liệu có thể có một chiến lược đa ngành không? Nhiều người có thể phì cười, vì thấy nó quá hài hước – bán bún bò mà đa ngành gì! Tôi không thấy hài hước tí nào! Một bà bán bún bó cũng hoàn toàn có thể có một chiến lược đa ngành (nếu bà muốn, tất nhiên, phải phân tích kỹ trước khi quyết định).

Chiến lược đa ngành của bà bán bún bò
Chiến lược đa ngành của bà bán bún bò

CHIẾN LƯỢC ĐA NGÀNH ĐÓ LÀ GÌ?

  1. Giả sử, sau một thời gian bán bún bò khấm khá, và có cả chuỗi quán bún bò, bà quyết định mua một miếng đất làm chuồng trại nuôi bò giao cho người em có nghề nuôi bò phụ trách để lấy thịt cung cấp cho quán của bà, cho các quán khác, và bán luôn ra chợ.
  2. Sau đó, bà lại thuê đất giao cho đứa cháu có nghề trồng các loại sau thơm, rau húng quế, chanh ớt phục vụ cho các quán bún bò và bán luôn ra chợ.
  3. Kế đến, bà mua lại một xưởng sản xuất ra các loại muỗng, nĩa, đũa, chén đĩa để và giao cho người anh con ông bác có kinh nghiệm trong nghề này quản lý để sản xuất và cung cấp cho các quán của bà và bỏ mối cho các quán khác, rồi nhân tiện, bán luôn ra chợ.
  4. Tiếp theo, thay vì mua bàn ghế từ một nhà cung cấp nào đó trang bị cho chuỗi quán của bà, bà quyết định đầu tư cho người anh ruột có kinh nghiệm mở xưởng sản xuất bàn ghế để tự cung cấp cho các quán của mình, và bán cho các quán khác, và bán luôn ra thị trường.
  5. Khi cung cấp thịt bò cho một số nhà hàng, quán nhậu, bà thấy kinh doanh nhà hàng quán nhậu tiềm năng quá, bà quyết định đầu tư mở thêm nhà hàng và giao cho ông em họ có kinh nghiệm quản lý. Bà cũng mua lại vài quán nhậu ế ẩm và giao cho đứa cháu có nghề kinh doanh quán nhậu quản lý.
  6. Khi mở nhà hàng, quán nhậu, bà được các nhà cung cấp bia, rượu, nước giải khát mời chào dữ quá, thế là bà tìm hiểu và nhận làm đại lý phân phối các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát…

Như vậy, từ một quán bún bò, bà chủ quán đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong nhiều ngành (ngành chăn nuôi bò, ngành trồng và KD rau, ngành SXKD bàn ghế, ngành muỗng nĩa, bát, đũa, ngành nhà hàng, quán nhậu, ngành phân phối rượu bia, nước giải khát…).

Sơ đồ các cấp độ chiến lược kinh doanh
Sơ đồ các cấp độ chiến lược kinh doanh

Nếu bạn để ý sẽ thấy các ngành mà bà bán bún bò lựa chọn trong danh mục đầu tư đều có cơ cấu (structure) và cơ chế hoạt động liên quan với nhau (interrelation), tạo nên sức mạnh cộng hưởng (hợp lực – synergy), và hỗ trợ lẫn nhau phát triển ở từng ngành riêng lẻ (tăng cường – reinforcement).

Đó chính là chiến lược đa ngành của bà bán bún bò, được tích hợp cả ngang (horizontal integration), dọc (vertical integration), ngược (backward), xuôi (forward), và cả đa dạng hóa (diversification), áp dụng cả tự phát triển lẫn M&A…

Chiến lược đa ngành của các tập đoàn lớn cũng tương tự như vậy. Có gì khó hiểu không các bạn?

Tác giả: Nguyễn Hữu Long

————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *