3 phong cách lãnh đạo phổ biến – Đâu là phong cách lãnh đạo tối ưu nhất?

3 phong cách lãnh đạo phổ biến – Đâu là phong cách lãnh đạo tối ưu nhất?

Định hướng phong cách lãnh đạo phù hợp với môi trường và văn hóa doanh nghiệp không chỉ giúp nhà lãnh đạo hoàn thiện từ kỹ năng cho đến phong thái bên ngoài khiến nhân viên tâm phục khẩu phục mà còn tạo nét riêng biệt định hình thương hiệu của mình. Vậy phong cách lãnh đạo là gì? Đâu là phong cách lãnh đạo tối ưu nhất? Hãy cùng theo dõi với MBA Đường phố trong bài viết dưới đây.

3 phong cách lãnh đạo phổ biến - đâu là phong cách lãnh đạo tối ưu nhất
3 phong cách lãnh đạo phổ biến – đâu là phong cách lãnh đạo tối ưu nhất

Phong cách lãnh đạo là gì?

Phong cách lãnh đạo được hiểu là hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực, các phương thức và hành vi đặc trưng của nhà lãnh đạo trong việc chỉ đạo, động viên và quản lý nhân sự làm việc hiệu quả và đạt mục tiêu nhất định.

Tùy vào tính chất công việc, môi trường làm việc, lĩnh vực hoạt động thì mỗi nhà quản trị sẽ sở hữu một phong cách lãnh đạo riêng. Tuy nhiên, cốt lõi của các phương pháp lãnh đạo này hình thành dựa trên bản chất và nhận thức của từng người.

Các yếu tố hình thành phong cách lãnh đạo

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc định hình phong cách lãnh đạo. Trong đó bao gồm 2 nhóm yếu tố chính:

  • Nhóm yếu tố xuất phát từ chính bản thân lãnh đạo: Gồm có môi trường làm việc và rèn luyện trước đây của lãnh đạo, đặc điểm tâm lý cá nhân (tính cách, thói quen ứng xử, khả năng kiểm soát..) cũng như trình độ chuyên môn, vốn hiểu biết và trải nghiệm của người lãnh đạo. Nhóm yếu tố này tạo nên sắc thái cá nhân riêng biệt trong phong cách lãnh đạo.
  • Nhóm yếu tố xuất phát từ môi trường doanh nghiệp: Bao gồm lịch sử hình thành, môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp có lịch sử hình thành và văn hóa lâu đời có xu hướng kế thừa phong cách của thế hệ lãnh đạo trước, đồng thời linh hoạt cập nhật sự mới mẻ của thị trường mới, dần định hình phong cách của riêng mình. Ngược lại với các tổ chức Startup, phong cách lãnh đạo phần lớn dựa trên chính phong cách của Founder sáng lập nên nó.

Phong cách lãnh đạo được định hình qua quá trình quản lý và vận hành doanh nghiệp của CEO, và nó ảnh hưởng to lớn đến kết quả công việc, thậm chí là quyết định đến sự sống – còn của tổ chức.

Tổng hợp 3 phong cách lãnh đạo phổ biến

Từ năm 1939, các nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về phong cách lãnh đạo đã được tiến hành bởi Kurt Lewin và cộng sự (Lewin, Lippit, White, 1939). Từ các nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã chỉ ra 3 phong cách lãnh đạo chủ chốt:

1. PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO ĐỘC ĐOÁN, CHUYÊN QUYỀN (AUTOCRATIC LEADERSHIP):

Phong cách độc đoán chuyên quyền được biểu hiện bằng việc tập trung mọi quyền lực vào tay người quản lý. Có một ranh giới rõ ràng giữa họ và những người còn lại. Đặc điểm chung của người độc đoán:

  • Lãnh đạo sẽ là người quyết định hầu hết các phương pháp và quy trình làm việc một cách độc lập mà ít quan tâm đến ý kiến của những người còn lại.
  • Công việc được bố trí bài bản và cứng nhắc.
  • Các quyết định khen thưởng, kỷ luật mang tính chủ quan, mệnh lệnh đưa ra không theo một hệ thống nhất định.

Ưu điểm

  • Có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định hiệu quả, ngay cả trong các tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khó xử lý.
  • Cách ra quyết định dứt khoát giúp đẩy nhanh tiến độ hoạt động của doanh nghiệp, tận dụng tối đa nhân lực, vật lực sẵn có trong khoảng thời gian ngắn.
  • Việc chuyển quyền còn giúp thúc đẩy nhân viên, buộc họ thực hiện nhiệm vụ đúng hạn thay vì đùn đẩy trách nhiệm, đưa bộ máy vào nề nếp nhanh chóng.

Nhược điểm

  • Nhà lãnh đạo độc đoán có xu hướng bỏ qua những đề xuất mới và không tham khảo ý kiến của người khác. Gây ra cảm xúc tiêu cực và bất mãn nơi cấp dưới, lâu dần kéo theo các mâu thuẫn nội bộ.
  • Gây hạn chế các giải pháp sáng tạo để xử lý vấn đề, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chung của đội nhóm, tổ chức.

Vậy khi nào nên áp dụng phong cách lãnh đạo độc đoán?

Giai đoạn đầu thành lập:

Các thành viên phần lớn còn chưa hiểu rõ về nhau, chưa rõ nhiệm vụ và phương hướng công việc. Do đó nhà lãnh đạo cần sử dụng phong cách độc đoán chuyên quyền để tạo ra sự thống nhất về mục tiêu, cách thức làm việc cũng như đưa ra các quyết định cho đội nhóm.

Đối với các nhân viên mới, ít kinh nghiệm:

Các nhân viên này thường có xu hướng bỡ ngỡ với môi trường mới, chưa hiểu về cách thức làm việc trong công ty. Do vậy, với tình huống này, nhà quản lý đóng vai trò là người giao việc và hướng dẫn cho họ một cách cụ thể, chi tiết, giúp nhân viên hòa nhập nhanh chóng.

Những tình huống “cấp bách” phải ra quyết định trong thời gian ngắn:

Với áp lực phải ra quyết định trong thời gian hạn hẹp, phong cách lãnh đạo độc đoán là cần thiết để giải quyết vấn đề nhanh chóng.

2. PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO HỢP TÁC, DÂN CHỦ (DEMOCRATIC LEADERSHIP)

Với phong cách này, lãnh đạo cùng tham gia công việc, cố gắng đối xử công bằng với tất cả, không có thái độ bề tôi. Mục đích chính là giúp mọi nhân viên đều đạt được mục tiêu cá nhân của mình.

Người thuộc phong cách này thường chuộng cách giao tiếp, trao đổi có sự phản hồi qua lại giữa sếp với nhân viên, để nhân viên được lên tiếng nói, được cùng đóng góp. Hầu hết các quy định đưa ra đều được cân nhắc và tham khảo ý kiến của nhân sự. Tuy nhiên lãnh đạo sẽ vẫn là người ra quyết định cuối cùng.

Ưu điểm:

  • Mọi cá nhân cảm thấy được tin tưởng và tôn trọng, từ đó có động lực để hành động và đóng góp sức lực của mình cho tổ chức.
  • Tạo ra sợi dây gắn kết giữa các thành viên và thúc đẩy hiệu suất công việc của họ. Với các công ty đang gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân viên thì phong cách dân chủ sẽ là một lựa chọn lý tưởng cho nhà lãnh đạo.

Nhược điểm

  • Mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định bởi bạn cảm thấy cần phải đạt được sự đồng thuận
  • Không phải thành viên nào trong nhóm cũng đủ kiến thức hay trình độ cần thiết để đóng góp cho quá trình ra quyết định.
  • Phong cách lãnh đạo dân chủ cũng có thể khiến các thành viên nản chí khi ý tưởng mà họ tâm đắc không được lựa chọn, hoặc vì họ nằm trong ý kiến thiểu số. Điều này dẫn đến tinh thần làm việc bị ảnh hưởng, thậm chí là bất đồng với người đứng đầu.

Phong cách lãnh đạo dân chủ sẽ phát huy hiệu quả trong các trường hợp sau:

  • Người quản lý là người đã hiểu rõ vấn đề tồn đọng nhưng cần thêm các ý kiến, thông tin từ cấp dưới để xử lý vấn đề đó.
  • Đội nhóm phải ổn định và nề nếp, các thành viên trong đội nhóm phải là những người nắm rõ công việc, nhiệm vụ và cách thức tiến hành công việc.

3. PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO TRAO QUYỀN (LAISSEZ-FAIRE LEADERSHIP)

Nhà quản lý theo phong cách lãnh đạo trao quyền (tự do ra quyết đinh/hành động) thường chỉ đưa ra các nhiệm vụ hoặc vạch ra kế hoạch chung chứ ít tham gia trực tiếp vào quá trình chỉ đạo công việc. Họ giao khoán và cho phép nhân viên được tự do đưa ra các quyết định cũng như chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước cấp trên.

Ưu điểm

  • Đề cao tính cá nhân trong doanh nghiệp, giúp phát huy tối đa tính sáng tạo và trách nhiệm của nhân viên với công việc.
  • Nhân viên giỏi cảm nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo từ đó họ sẽ yên tâm cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.

Nhược điểm

  • Phong cách này ít hiệu quả hơn khi các thành viên không thể tự kiểm soát thời gian của mình.
  • Với nhân sự thiếu sự tự giác, công việc không có tính hệ thống cao, sử dụng phong cách tự do dẫn tới năng suất tụt giảm, hiệu quả công việc kém.
  • Thiếu người lãnh đạo có thể dẫn tới sự rối loạn trong các nhóm làm việc, lực lượng phân tán theo các nhóm nhỏ hơn.

Các quản lý có thể áp dụng phong cách này trong những điều kiện sau:

  • Nhân sự có năng lực làm việc độc lập và chuyên môn tốt, có thể đảm bảo duy trì tốt hiệu quả công việc ngay cả khi lãnh đạo vắng mặt.
  • Doanh nghiệp có những công cụ tốt để kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện và hiệu quả công việc của nhân viên.

Xác định phong cách lãnh đạo không chỉ giúp bạn nắm bắt và phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu vốn có mà còn là cơ hội để bạn thay đổi linh hoạt hơn trong phong cách quản trị của mình.

Vậy phong cách lãnh đạo nào là tối ưu nhất?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không có phong cách lãnh đạo nào là tốt nhất mà chỉ có phong cách phù hợp nhất với các quyết định quản trị. Mỗi lãnh đạo sẽ sở hữu một phong cách đặc trưng riêng của mình, tuy nhiên việc sử dụng linh hoạt các phong cách trong nhiều tình huống khác nhau sẽ giúp tận dụng các ưu điểm, khiến quá trình quản lý và vận hành hiệu quả dễ dàng hơn.

Đọc đến đây, bạn đã biết mình đang sở hữu phong cách lãnh đạo nào và nên sử dụng phong cách nào chưa? Hãy chia sẻ cùng MBA Đường phố nhé!

Theo Kiến thức quản trị

————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *