Địa điểm kinh doanh – Yếu tố quyết định thành công

Địa điểm kinh doanh – Yếu tố quyết định thành công

Trong kinh doanh, địa điểm luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với các Doanh nghiệp kinh doanh và phân phối hàng hóa, dịch vụ. Nhiều Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí cao cho những địa điểm có tính cạnh tranh. Tất cả đều mong muốn sở hữu những địa điểm kinh doanh đắc địa, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không phải cứ dồn thật nhiều chi phí đi thuê địa điểm đẹp là mặc nhiên có thể kinh doanh thành công. Để đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm kinh doanh, người chủ Doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều tiêu chí, dựa trên chiến lược, mục tiêu kinh doanh và cả khả năng tài chính của Doanh nghiệp mình, quan trọng là phải phù hợp.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của việc lựa chọn địa điểm kinh doanh chính là dựa trên đặc điểm và thói quen tiêu dùng của khách hàng mục tiêu.

Địa điểm kinh doanh - Yếu tố quyết định thành công
Địa điểm kinh doanh – Yếu tố quyết định thành công

Hiểu rõ thị trường của bạn

Có chuyên gia đã so sánh hoạt động bán lẻ với thế giới động vật: những Doanh nghiệp như McDonald được coi là “con chuột”, bởi nó có thể tồn tại và phát triển ở mọi nơi, cả trong thị trường đông đúc lẫn thị trường thưa thớt khách hàng.

Tuy nhiên, các công ty khác chỉ là “gấu trúc”, bởi vì họ cần những thị trường cụ thể mới tồn tại được. Hãy nghĩ về môi trường mà hoạt động kinh doanh của bạn cần đến. Câu trả lời sẽ giúp bạn tìm ra địa điểm kinh doanh thích hợp nhất cho sự phát triển của công ty.

Nếu bạn dự tính khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, ví dụ như dịch vụ kế toán/kiểm toán, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nhà riêng để làm địa điểm kinh doanh. Khi đó, bạn không cần quan tâm tới việc liệu khách hàng tiềm năng có bị bỏ qua nếu bạn kinh doanh tại nhà? Hay khách hàng có chú ý tới địa điểm kinh doanh của bạn hay không? Bởi lúc này việc bán hàng được thực hiện chủ yếu qua Điện thoại, Fax và Website,…!

Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý rằng có thể có các quy định pháp luật tại địa phương nơi bạn đặt địa điểm kinh doanh, vì vậy hãy kiểm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định. Hãy đảm bảo rằng hàng xóm của bạn không cảm thấy phiền hà với việc có đông người qua lại. Ngoài ra, chỗ đỗ xe cũng là điều cần xem xét hơn nếu bạn đặt điểm kinh doanh ngay tại nhà mình.

Cho dù bạn là một doanh nhân làm việc ngoài giờ hay làm việc theo giờ hành chính thì đôi khi vấn đề địa điểm cũng trở nên quan trọng đối với bạn. Việc thành công hay thất bại của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ phụ thuộc vào sự lựa chọn và đánh giá của người chủ trong việc tìm một địa điểm phù hợp.

Bước khởi đầu trong việc kinh doanh là quyết định xem bạn sẽ sống ở đâu và doanh nghiệp của bạn sẽ đặt ở đâu. Bạn cũng có thể có cơ hội chuyển đến một nơi mà việc sống và kinh doanh đều tuyệt vời.

Các tiêu chí lựa chọn địa điểm

Nếu Doanh nghiệp của bạn cần thuê hoặc mua một địa điểm để khởi sự kinh doanh, hãy để ý những tiêu chí sau:

Tiêu chí đối với Doanh nghiệp sản xuất, kho bãi, công nghiệp

  • Có thể mở rộng trong tương lai.
  • Thuận tiện cho nhân viên.
  • Thuận tiện giao thông.
  • Có sẵn lực lượng lao động.
  • Cơ sở hạ tầng phù hợp.
  • Thuận tiện cho hệ thống vận chuyển và giao hàng nhanh.

Tiêu chí đối với các Doanh nghiệp bán lẻ

Mỗi Doanh nghiệp bán lẻ hay thương mại đều có những tiêu chí riêng của mình. Ví dụ, một cửa hàng bán bánh, đồ ăn sáng, rửa xe, ngân hàng, bưu điện,… cần ở một vị trí thuận chiều trên đường đi làm (đường đi vào trung tâm thành phố).

Mặt khác, nếu kinh doanh đồ mẹ và bé, cửa hàng thời trang, đồ tiêu dùng, cửa hàng bán rượu, siêu thị mini,… bạn nên chọn vị trí ở phía bên đường theo chiều từ chỗ làm về nhà (đường có chiều hướng ra ngoại ô). Tại sao lại như vậy?

Hãy nhìn vào các vấn đề liên quan đến UX – User Experience (Trải nghiệm người dùng) hay Consumer Behavior (Hành vi người tiêu dùng). Buổi sáng là lúc mà hầu như ai cũng vội vã, người thì vội đi làm kẻo trễ giờ bị trừ lương, người thì vội đưa con đến lớp, người thì vội đến trường còn kịp giờ điểm danh,… trong khi đó đường xá cũng vào giờ cao điểm ùn tắc và kẹt cứng, khách hàng sẽ chỉ tranh thủ vài phút mua cái bánh, gói xôi để ăn sáng chứ không ai có thời gian đi ngắm nghía và mua sắm quần áo, đồ đạc cả.

Đến buổi chiều là lúc tan học, tan làm đi về, sau một ngày lướt xem hàng điện thoại, trò chuyện cùng bạn bè, có thể khách hàng sẽ phát sinh nhu cầu muốn đi ngắm hàng quán, mua sắm, tận tay tìm chọn đồ. Các cửa hàng nằm bên tay phải trên đường đi về sẽ tiện cho việc khách hàng ghé vào xem và mua đồ, còn những cửa hàng nằm ở phía bên kia đường sẽ làm khách hàng cảm thấy bất tiện khi phải luồn lách để sang đường, như vậy nhiều vị khách sẽ chọn đi về luôn thay vì tốn công vòng sang.

Vì vậy, loại dịch vụ, hàng hoá nào có nhu cầu cao vào buổi sáng thì nên chọn điểm bán nằm ở hướng đi vào trung tâm, trên đường đi làm và ngược lại, mặt hàng có nhu cầu cao vào buổi chiều, tối thì đặt điểm bán ở hướng đi ra ngoại ô, từ chỗ làm về nhà.

Ngoài ra, hãy phân tích những khía cạnh sau khi chọn địa điểm và tìm hiểu tại sao lại nên đặt địa điểm ở đó?

Chọn một loại trung tâm phù hợp (lớn, nhỏ hay dãy hàng):

  • Một số doanh nghiệp làm về lĩnh vực dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng,… thì có thể kinh doanh hiệu quả khi đặt tại các Trung tâm lớn.
  • Một số khác như siêu thị nhỏ, cửa hàng băng đĩa, hiệu giặt là,… lại thành công hơn khi đặt địa điểm tại các Trung tâm nhỏ hơn.
  • Trong khi đó một số bên như cửa hàng hoa, nhà trẻ hay cửa hàng đồ cổ,… lại kinh doanh phát đạt khi chọn đặt tại mặt phố.

Thông tin về nhân chủng học:

Những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về vùng lân cận. Nó cho bạn biết về dân số, số hộ gia đình, ước tính dân số theo chủng tộc, độ tuổi và theo mức thu nhập trong bán kính 1, 2 hay 5 dặm. Bạn có thể tìm kiếm các công ty cung cấp loại thông tin này trên Internet. Hãy sử dụng các công cụ tìm kiếm chủ yếu và gõ “dữ liệu nhân chủng học” để tìm kiếm.

Thăm dò người địa phương:

Hãy niềm nở, bắt chuyện làm thân với những người ở địa phương mà bạn đang tham khảo, bạn sẽ bất ngờ về những điều mà bạn biết được và học hỏi được thông qua việc nói chuyện với đối tác, khách hàng, nhân viên hay cô bán trà đá (người được coi là “thông tấn xã” của vùng, nắm rõ thế sự và mọi chuyện nhỏ to),… ở khu vực đó.

Mật độ lưu thông:

Đây là một điều cũng rất quan trọng vì nó cho bạn biết số lượng xe tại các giao lộ. Bạn cũng có thể lấy số liệu về người đi bộ, điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu khách hàng tiện ghé qua. Thông số này có thể lấy từ phòng giao thông hay cảnh sát địa phương.

Visibility and Signage. (Khả năng trông thấy và Biển báo):

Khách hàng phải biết rằng bạn đã có mặt ở đó. Họ có thể nhìn thấy cửa hàng của bạn. Thông thường thì phía cuối hoặc góc đường là những vị trí tốt hơn và đó là tại sao tiền thuê ở những nơi này cao hơn. Làm một cái bảng hiệu với kích cỡ lớn nhất có thể. Hãy nói cho công chúng biết rõ bạn đang kinh doanh cái gì. Ví dụ như: du lịch, quà tặng, con vật cảnh đã nói lên bạn đang kinh doanh là cái gì. Hợp đồng thuê địa điểm của bạn và các quy định của thành phố đều có những hạn chế liên quan tới biển hiệu.

Lối đi và việc đỗ xe:

Đảm bảo bạn có nơi đỗ xe thuận tiện và đủ chỗ. Hãy tránh những phố có sử dụng dải phân cách hoặc phố giao thông một chiều. Khách hàng thường thích các cửa hàng có bãi đỗ xe phía trước.

Khoảng cách với đối thủ cạnh tranh:

Bạn cần phải biết các đối thủ cạnh tranh của bạn ở đâu. Hãy tìm hiểu xem các đối thủ của bạn đang làm gì và họ thực hiện như thế nào.

An toàn:

Đây là vấn đề ngày càng được khách hàng và nhân viên quan tâm. Nơi đó có được chiếu sáng tốt không? Tình hình an ninh trong khu vực như thế nào?

Một số điều cần nhớ khi lựa chọn địa điểm:

  • Không nên vội vàng quyết định, cần xem xét kỹ địa điểm này có đáp ứng được các tiêu chí cụ thể của bạn hay không trước khi ký hợp đồng thuê hoặc mua địa điểm. Không nên để người cho thuê khống chế tất cả các điều kiện thuê.
  • Việc “bắt chước” những tiêu chí chọn địa điểm của các đối thủ thành công đi trước sẽ giúp cho bạn tránh được những sai lầm.
  • Nếu bạn đang xây dựng một loạt cửa hàng, đừng bao giờ thuê địa điểm thứ hai cho đến khi việc kinh doanh ở địa điểm thứ nhất có lãi và đã được chứng minh.
  • Việc bạn trả tiền thuê với giá hợp lý ở một địa điểm lý tưởng còn hơn là trả một tiền thuê cao cho một nơi có vị trí “đắc địa” nhưng không phù hợp.
  • Không nên quá phụ thuộc vào những đơn vị môi giới địa ốc trong việc chọn địa điểm cho bạn.
  • Lái xe qua các tuyến phố và đi dạo quanh khu bạn sống là một cách hay khi tìm kiếm địa điểm.

Kết luận

Chọn địa điểm không chỉ đơn thuần là chọn một tòa nhà để làm trụ sở kinh doanh. Có lẽ đối với bạn, việc mở cửa hàng kinh doanh trong thành phố của mình, hay khu phố của mình là một điều đương nhiên. Song hãy nhìn vào bức tranh tổng thể.

Như bạn thấy đấy, để ra một quyết định chắc chắc và cẩn thận đòi hỏi bạn phải nghiên cứu một loạt các vấn đề phức tạp. Hãy xác định thứ tự ưu tiên của các vấn đề nêu trên, giữ thái độ cởi mở với các lựa chọn khác, thực hiện nghiên cứu và sẵn sàng đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất để khởi sự kinh doanh cho Doanh nghiệp của bạn.

Nguồn: Sưu tầm

————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *