Bài học từ xưởng làm cúc áo

Bài học từ xưởng làm cúc áo

Bài học từ xưởng làm cúc áo
Bài học từ xưởng làm cúc áo

Dám thoát khỏi vòng xoáy “Cạnh tranh giá”, đi vào thị trường ngách, doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng trên thị trường ! Với những nghề truyền thống vốn không được nhiều người đề cao vì tính chất nhỏ lẻ, lợi nhuận không cao, không gian chật hẹp khó phát triển, không cần đến kĩ thuật cao thì cạnh tranh về giá cả chính là vũ khí lợi hại nhất. Ví dụ, nghề làm Cúc áo. Khi thị trường đã bước vào vòng cạnh tranh ác tính thì lúc này giữa các Doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng chiêu thức hạ giá sản phẩm hoặc đánh liều làm hàng giả. Thi nhau giảm giá, thi nhau làm hàng giả giá rẻ, Cúc áo pha trộn nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng, rồi đến lúc doanh nghiệp chẳng kiếm được một đồng lãi, hệ quả là đẩy việc kinh doanh của toàn bộ ngành nghề đến chỗ phá sản. Tuy nhiên, vẫn còn có người có thể đột phá từ vòng vây giá rẻ đó để kiếm được rất nhiều tiền, làm nên một huyền thoại.

Hạo Dương – một người buôn bán tự do, nơi anh ở được coi là một trong những thị trường Cúc áo lớn nhất cả nước, ở đó có tới hàng trăm hàng nghìn cơ sở sản xuất Cúc áo. Ban đầu, thị trường sản xuất Cúc áo làm ăn rất tốt, chỉ trong vài năm mà các ông chủ cơ sở sản xuất Cúc áo đã có tiền để xây nhà cao tầng. Chứng kiến người khác kiếm tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng, Hạo Dương cũng cảm thấy nôn nóng và quyết định Đầu tư xây dựng một cơ sở làm Cúc áo, mơ tưởng đến khi sản phẩm làm xong tung ra thị trường, các nhà buôn sẽ kéo ồ ạt tới đây mua hàng, cúc áo sẽ biến thành tiền bạc muôn màu muôn sắc. Điều đó có xảy ra, thế nhưng giấc mộng đẹp ấy không kéo dài, số lượng xưởng sản xuất cúc áo trong vùng ngày một tăng lên, khi Cung đã cách xa Cầu thì bắt đầu nảy sinh sự cạnh tranh khốc liệt. Để thu hút người mua, các xưởng sản xuất liên tục giảm giá thành, ban đầu lợi nhuận một chiếc cúc áo còn được giá 0.15 tệ, sau bị hạ xuống 0.1 rồi tới mức 0.05 tệ. Có một số phân loại hàng, lợi nhuận còn giảm xuống một cách tệ hại chỉ còn 0.01 đồng. Để giảm được giá thành sản phẩm xuống mức đó, các nhà sản xuất còn dùng nguyên liệu giả, kém chất lượng. Vì Hạo Dương không làm hàng giả nên sản phẩm của anh không thể tạo ra ưu thế về giá so với thị trường.

Anh cảm thấy rất khó xử, nếu không làm hàng giả, tuy sản phẩm làm ra có chất lượng tốt nhưng vẫn không có người mua; ngược lại, nếu làm hàng giả thì một là sẽ đi ngược lại lương tâm, hai là làm hàng giả tiền đồ cũng không sáng sủa gì, hơn nữa, cuộc chiến giá cả giữa các loại cúc áo giả cũng rất khốc liệt, dù có làm giả thì lợi nhuận cũng không là bao, cuối cùng cơ sở sản xuất chắc chắn sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra và đóng cửa.

Hạo Dương ngày đêm lo lắng. Nhìn thấy chồng khổ tâm như vậy, vợ Hạo Dương đã tìm thời gian thích hợp để nói chuyện với anh về việc giải quyết những khó khăn trước mắt. Chị nói: “Trước đây, chúng ta có lợi nhuận là vì thị trường cúc áo vẫn còn trên đà phát triển, lúc đó, dù bất kì ai làm thì cũng sẽ kiếm được tiền. Nhưng đến thời điểm này, nhà nhà làm cúc áo, thị trường đã bão hòa, nếu muốn kiếm được tiền thì nhất định phải tìm ra một hướng đi mới. Bây giờ có rất nhiều người làm hàng giả, nếu chúng ta cũng làm theo họ thì chắc chắn không thể địch lại họ, kết cục vẫn là không có tiền. Có khi lại còn bị cơ quan chức năng sờ gáy, chúng ta cứ đi theo hướng làm hàng thật, chất lượng có khi lại kiếm được tiền.”

Hạo Dương cười nói: “Lời em nói nghe thì có vẻ có lí. Nhưng nếu làm hàng thật mà kiếm ra tiền thì người ta còn làm hàng giả làm gì? Trên thị trường đâu đâu cũng là hàng giả, cho dù em có làm hàng thật thì có ai tin không?”

Vợ anh kiên quyết: “Đã là hàng thật thì chắc chắn có người nhận ra, em không tin bao nhiêu nhãn hiệu thời trang trên thị trường này lại không có một người bỏ tiền ra để mua hàng thật. Giả sử khi khách hàng mua quần áo của họ về và phát hiện ra cúc áo chất lượng kém, dễ bị phai màu, dễ bị biến dạng thì chẳng phải là đã làm hỏng danh tiếng của một nhãn hiệu cao cấp hay sao? Chỉ cần chúng ta làm hàng tốt thì nhất định sẽ có người tìm đến.”

Hạo Dương cũng biết làm hàng giả sẽ không có tương lai, làm hàng thật có khi lại là một lối thoát, tuy nhiên, đây mới chỉ là hướng giải quyết vấn đề thôi, vẫn cần phải có một kế hoạch cụ thể.

Vợ anh dường như cũng hiểu chồng mình đang nghĩ gì, liền nói tiếp: “Chúng ta hãy làm hàng thật, định vị thị trường tiêu thụ là những công ty, những nhãn hiệu thời trang cao cấp. Tốt nhất là trước tiên chúng ta liên hệ với những cơ quan nhà nước có uy tín, trở thành nhà cung cấp được họ lựa chọn, như vậy thì chúng ta sẽ có danh tiếng, hơn nữa cũng có định hướng cụ thể về nhiệm vụ sản xuất hàng năm.” Hạo Dương hỏi vợ: “Những công ty may mặc lớn có thể từ từ tìm hiểu, em nói cơ quan nhà nước có uy tín là cơ quan nào?”

Vợ Hạo Dương mỉm cười, nói: “Chuyện này em đã nghĩ rất lâu rồi, đồng phục là một lĩnh vực rất rộng lớn, yêu cầu phải có cúc áo chất lượng cao, chắc chắn nhà cung cấp đồng phục sẽ không dùng hàng chất lượng kém chỉ để tiết kiệm mấy đồng bạc đâu. Chỉ cần chúng ta nâng cấp thiết bị và cơ chế quản lí thì có thể đạt yêu cầu về kĩ thuật mà họ đặt ra. Có thể hướng vào đồng phục ngành đường sắt, công an, quân đội trước. Đợi đến lúc giành được vị trí nhà cung cấp chính thì các thương hiệu thời trang khác sẽ nhận thấy chất lượng và thực lực của chúng ta, đến lúc đó chẳng phải là tiền vào như nước rồi hay sao?”

Sau mấy năm cố gắng khẳng định chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường, bây giờ, Hạo Dương gần như đã nắm trong tay quyền phân phối cúc áo cho đồng phục các ngành đường sắt, công an và quân đội. Nhờ vào danh tiếng đó, anh đã mở rộng thị trường sang cả nước ngoài như Nhật Bản và Châu Âu, chiếc cúc áo nhỏ bé của anh giờ đã là một thương hiệu lớn đạt được nhiều thành tựu trong và ngoài nước. Còn những cơ sở sản xuất khác không biết cách khẳng định vị trí của mình trên thị trường thì vẫn theo con đường làm hàng giả như trước để kiếm chút lợi nhuận ít ỏi, có những cơ sở không trụ được với vòng xoáy cạnh tranh giá đã sập từ lâu và cũng có những cơ sở bị cơ quan chức năng đình chỉ, tước giấy phép vì dùng hàng giả, kém chất lượng mà phải đóng cửa.

BÀI HỌC SÂU SẮC

Những cơ sở sản xuất nhỏ điển hình có thể kể đến là những xưởng gia công phụ kiện, bật lửa, khoá kéo,… Khi số lượng sản phẩm đã vượt mức nhu cầu của thị trường thì bắt đầu có sự cạnh tranh, các xưởng sản xuất thường bị cuốn vào vòng tuần hoàn cũ mòn là làm hàng giả, giảm chi phí sản xuất. Cảnh “nồi da xáo thịt” này chỉ khiến cho thị trường ngày càng đi xuống và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong khi lợi nhuận thì ngày càng giảm sút. Trong lúc đó, chỉ có dũng cảm tìm cách thoát ra khỏi vòng tuần hoàn ác tính đó, thay đổi cách nhìn thì mới có thể tìm lại chỗ đứng cho doanh nghiệp.

Nguồn: sách “Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ“

————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *