Bullwhip Effect – Hiệu ứng cái roi da trong Quản trị Chuỗi Cung Ứng

Bullwhip Effect – Hiệu ứng cái roi da trong Quản trị Chuỗi Cung Ứng

Hiệu ứng Bullwhip (tiếng Anh: Bullwhip Effect) là hiệu ứng phản ánh hiện tượng sai lệch số lượng sản phẩm sản xuất ra so với nhu cầu thực tế.

Bullwhip Effect - Hiệu ứng cái roi da trong Quản trị Chuỗi Cung Ứng
Bullwhip Effect – Hiệu ứng cái roi da trong Quản trị Chuỗi Cung Ứng

KHÁI NIỆM

Hiệu ứng Bullwhip được phát hiện lần đầu bởi tiến sĩ Forrester (1961), theo đó lượng sản phẩm được sản xuất bởi các công ty luôn cao gấp nhiều lần lượng nhu cầu thực tế của thị trường.

Qua các thống kê, tiến sĩ Forrester (1961) phát hiện ra rằng, lượng hàng hóa được sản xuất ra thường cao hơn so với nhu cầu thực tế, mức sai lệch cực đại có thể dao động lên tới 3-5 lần.

Hiện tượng này được Forrester đặt tên là hiệu ứng Bullwhip, còn gọi là hiệu ứng cái roi da hay hiệu ứng đuôi bò. Cách gọi này phỏng theo hình ảnh thực tế của chiếc roi da, chỉ một lượng dao động nhỏ ở gốc cây roi, sẽ gây ra lượng dao động lớn ở cuối chiếc roi.

Hiểu theo cách tương tự, trong “thế giới” của chuỗi cung ứng, người tiêu dùng cuối có quyền cầm gốc chiếc roi, khi họ tạo ra một chút chuyển động trong nhu cầu của mình, lập tức các điểm bán sẽ truyền tín hiệu đến nhà phân phối bằng cách đặt lượng hàng gấp đôi bình thường, nhà phân phối lại tiếp tục nhập x2 hàng từ nhà sản xuất, nhà sản xuất nhận thấy mặt hàng này đang có thị trường rộng mở nên quyết định đặt nguyên liệu thô x3 từ nhà cung cấp vật tư. Như vậy, tín hiệu nhu cầu thị trường bị sai lệch cực đại lên đến 3-5 lần.

Trung bình, có 4 đến 5 điểm tồn kho giữa khách hàng cuối cùng và nhà cung cấp nguyên liệu (bao gồm: điểm bán lẻ, đại lý, nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu). Tâm lý chung của mọi điểm trung gian phân phối là không muốn lâm vào tình trạng hết hàng, bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ khách hàng cuối nên họ cố giữ dư hàng tồn kho để đề phòng sự thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng. Do đó, có thể tồn tại vùng đệm khổng lồ của hàng tồn kho lên đến sáu tháng giữa khách hàng cuối cùng và nhà cung cấp nguyên liệu thô. Hiệu ứng bullwhip là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất thượng nguồn sản xuất tràn lan do tin vào dữ liệu ảo dẫn đến tồn kho cao, giảm hiệu quả kênh phân phối

NGUYÊN NHÂN

Forrester (1961) đã lí giải hiệu ứng Bullwhip bởi bốn nguyên nhân sau:

  • Thứ nhất, sai lệch thông tin dẫn đến sai lệch dự báo nhu cầu.
  • Thứ hai, chiến lược tăng qui mô đơn hàng nhằm tối ưu chi phí.
  • Thứ ba, biến động về giá cả.
  • Thứ tư, trò chơi tạo ra sự hạn chế và thiếu hụt.

Bốn nguyên nhân theo như Forrester đưa ra, đều xuất phát từ hành vi của các tác nhân bên trong môi trường kinh doanh và các hành vi này gây ra hai tác động trực tiếp lên dao động lượng hàng sản xuất, đó là dự báo sai nhu cầu đặt hàng và chiến lược tồn kho dự trữ.

Tâm lí khách hàng, nhiễu thông tin cố ý từ các đối thủ cạnh tranh, tác động từ thay đổi công nghệ, tác động từ sản phẩm mới… Những tác nhân này hầu hết đều biến thiên theo thời gian, vì vậy tác động của nó lên lượng dao động đặt hàng cũng biến thiên theo thời gian.

Cách nhìn nhận của Forrester là hoàn toàn hợp lí, đặc biệt là với các chuỗi cung ứng sản xuất ra các mặt hàng tiêu dùng, với giá trị sản xuất thấp nhưng được khách hàng tiêu dùng thường xuyên, các sản phẩm loại này thường được tạo ra bởi các chuỗi cung ứng dạng đẩy (Push Supply Chain).

Dạng chuỗi này hoạt động theo nguyên tắc dự báo nhu cầu và chủ động sản xuất trước trong thời gian dài, sản xuất ngay cả khi chưa có đơn đặt hàng và sau đó tìm cách tiêu thụ sản phẩm đã sản xuất ra. Các kế hoạch sản xuất chủ yếu dựa vào phán đoán khả năng tiêu thụ sản phẩm trong tương lai, không phải do được yêu cầu từ khách hàng.

GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU HIỆU ỨNG BULLWHIP TRONG CHUỖI CUNG ỨNG

CHẤP NHẬN SỰ TỒN TẠI CỦA HIỆU ỨNG BULLWHIP

Nghe thật kì lạ phải không khi chấp nhận lại gọi là một giải pháp?! Thế nhưng thực tế đúng là như vậy! Hiệu ứng Bullwhip luôn luôn tồn tại và sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn trong chuỗi cung ứng của bất kỳ ngành nghề nào bởi nhu cầu của khách hàng luôn biến động, thay đổi theo phút. Học cách nhận diện và thấu hiểu nó sẽ giúp nhà quản lý có thể phân tích chi tiết về định mức tồn kho cần có, nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân lượng tồn kho dư thừa nhàn rỗi và thực hiện hành động khắc phục kịp thời.

HỢP TÁC VÀ CHIA SẺ THÔNG TIN GIỮA CÁC TRUNG GIAN PHÂN PHỐI

Giữa điểm bán, nhà phân phối và nhà sản xuất đâu đó sẽ tồn tại một số mục tiêu mâu thuẫn lẫn nhau vì thế ai cũng muốn “giấu thông tin” có lợi cho mình. Ví dụ điểm bán không muốn cho NPP biết mặt hàng A đang hoặc sắp có cơ hội bán chạy vì sợ bị tăng giá nhập, còn một số NPP thì không muốn bị nhà sản xuất kiểm soát về thông tin các điểm bán, giá bán, chương trình khuyến mại riêng,… Ngay cả trong nội bộ doanh nghiệp phân phối, sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các bộ phận cũng chưa thực sự tốt dẫn đến thông tin không cập nhật theo thời gian thực, giảm hiệu quả kênh phân phối.

Thực tế, chia sẻ thông tin và cùng nhau hợp tác mới là con đường đúng đắn để phát triển bền vững. Khi đã cùng nhau nằm trong một chuỗi cung ứng, mọi thành phần tham gia đều có vai trò riêng của mình. Nếu cùng nhau hiểu và hướng đến một mục tiêu chung to lớn thì chúng ta sẽ biết cách phối hợp với nhau như một cỗ máy nhịp nhàng.

XÓA BỎ DATA-COOKING

Data – cooking là hiện tượng “xào nấu dữ liệu” để tạo ra dữ liệu ảo trong hệ thống phân phối với nhiều mục đích:

  • Tạo điểm bán ảo, nhân viên bán hàng ảo, tồn kho ảo để tư lợi cá nhân
  • Tạo đơn hàng ảo để hợp thức hóa sự tồn tại của điểm bán ảo hoặc để tạo nhiều lượt đánh giá 5 sao trên kênh phân phối trực tuyến.
  • Để đạt đủ chỉ tiêu KPIs, làm đẹp bản báo cáo gửi cho lãnh đạo.

Chính vì những dữ liệu ảo này xuất hiện dày đặc khiến nhà sản xuất lầm tưởng nhu cầu về loại hàng hóa đó đang tăng vọt nên quyết định nâng sản lượng sản xuất gấp đôi, gấp ba dẫn đến hàng tồn kho ứ đọng, trôi nổi không kiểm soát được ngoài thị trường.

QUẢN LÝ CHẶT CHẼ SỐ LƯỢNG HÀNG TỒN KHO NGOÀI THỊ TRƯỜNG

Đẩy được hàng vào kênh phân phối đã khó, quản lý dòng hàng lưu chuyển bên ngoài thị trường còn khó hơn. Nhà sản xuất cần biết số lượng hàng tồn trong kho nhà phân phối và hàng tồn hiện tại của từng điểm bán lẻ để đo lường chính xác nhu cầu tiêu thụ thực tế của thị trường. Từ đó, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC TỒN KHO NHÀ PHÂN PHỐI, NHÀ SẢN XUẤT

Định mức tồn kho là ngưỡng an toàn đã được tính toán kỹ lưỡng phù hợp với đặc thù doanh nghiệp để đảm bảo lượng hàng hóa/ vật tư cần lưu trữ trong kho sẽ đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường trong khoảng thời gian nhất định.

Để chống lại hiệu ứng Bullwhip, nhà quản lý cần đảm bảo lượng hàng tồn kho không vượt quá ngưỡng định mức tồn kho tối đa. Các yếu tố xác định mức tồn kho hợp lý bao gồm:

  • Tình hình nhu cầu thị trường dựa trên sức mua của người tiêu dùng cuối
  • Khả năng cung ứng hàng hóa, vật liệu của đối tác
  • Thời điểm đặt hàng
  • Chi phí bảo bảo và quản lý hàng hóa

Có 2 hai mô hình để doanh nghiệp tính toán dự trữ hàng tồn kho:

  • Mô hình EOQ: Tính được lượng hàng phù hợp cho mỗi lần đặt hàng và cứ đến lúc nào cần thì cứ đặt đúng số lượng đó.
  • Mô hình POQ: mô hình này áp dụng khi DN mua hàng hóa, nhưng muốn nhận từ từ, vừa nhận vừa sử dụng.

Cần tỉnh táo để phản ứng trước dự báo khan hiếm, biến động giá cả trên thị trường để tránh hiện tượng Bullwhip

QUẢN LÝ TỐT ĐỘ PHỦ, THỊ PHẦN CỦA TỪNG SẢN PHẨM, NGÀNH HÀNG SO VỚI ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

Không phải cứ đẩy được thật nhiều hàng vào các điểm bán đã là tốt. Điểm bán nhập nhiều hàng, chỉ số độ phủ theo sản phẩm tăng vọt so với đối thủ cạnh tranh nhưng thực tế doanh số bán hàng không tăng. Nguyên nhân rất có thể do hiệu ứng Bullwhip đang “lây lan” trong hệ thống phân phối của bạn. Quản lý tốt độ phủ thị phần theo từng sản phẩm, ngành hàng, theo doanh số bán hàng,… và so sánh được với độ phủ, thị phần của đối thủ sẽ giảm thiểu được những lầm tưởng về nhu cầu ảo của thị trường.

Nguồn: Sưu tầm

————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *