Bán bánh mì lề đường từ tháng 10/2013, rời giảng đường Đại học, chàng trai 23 tuổi Hồ Đức Hải đã tự mở doanh nghiệp riêng, leo chức CEO và là ông chủ “non choẹt” của chuỗi xe đẩy Bánh Mì Má Hải nổi tiếng ở TP HCM.
Hồ Đức Hải, sinh năm 1992, quê ở Bà Rịa, Vũng Tàu là cựu sinh viên khoa Quản trị Kinh Doanh, ĐH Kinh Tế TP HCM. Quê Hải có món chả cả nóng ngon trứ danh nhưng khoảng năm 2013 chưa phổ biến ở Sài Gòn.
Thời sinh viên, là thành viên tích cực trong các hoạt động Đoàn, Hội, Hải tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa năng động. Nhờ những công việc thiện nguyện, Hải học được rất nhiều từ đời sống thực tế.
Sang năm 3 đại học, Hải bắt đầu nhen nhóm ý tưởng kinh doanh. Một lần tình cờ, Hải được anh trai gợi ý việc bán bánh mì. Sau một tuần suy nghĩ, Hải quyết định thử sức, vừa có thể tập tành buôn bán, vừa kiếm thêm thu nhập.
Với số vốn 2 triệu đồng tích góp từ công việc làm thêm, Hải mạnh dạn đầu tư xe đẩy hàng. Kinh nghiệm làm bếp “còn non” nên những ngày đầu, Hải loay hoay tìm nguyên liệu chính.
Cuối cùng, Hải quyết định chọn chả cá làm nhân bánh mì vì cách chế biến đơn giản, tiết kiệm thời gian. Chả cá Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng là đặc sản quê hương của Hải.
Để có món chả tươi ngon cho vào nhân bánh mỗi ngày, anh về tận quê đặt nhờ người quen mua cá, làm chả, trộn gia vị, chuyển lên TP HCM qua xe khách.
Hải đi làm thêm để dành được 2 triệu đồng, chi 1 triệu đồng mua lại xe hủ tíu cũ, nhưng tiền tân trang lại tốn đến 1 triệu 500 nghìn đồng. Vậy là Hải khởi nghiệp với số vốn: -500.000 đồng! Ngày khai trương, bánh mì, rau, thịt, chả… anh đều phải mua chịu hết.
Hiểu tâm lý sinh viên thường dậy trễ, phải nhịn đói vì vội lên giảng đường, Hải tận dụng việc quảng cáo trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm và nhận được nhiều “đơn hàng” từ bạn bè, thầy cô.
Để quán xuyến giữa công việc và học hành, Hải tranh thủ dậy sớm, chuẩn bị nguyên liệu, đặt bánh mì, thái dưa leo, làm thành phẩm để giao cho “khách hàng thân thiết” trên giảng đường. Bạn bè, thầy cô thường ghẹo vui “anh Hải bánh mì”.
Khi sản phẩm được mọi người biết đến, Hải bắt đầu tạo dựng thương hiệu riêng cho mình.
Do làm trại trưởng quản lý trại, quán xuyến việc ăn uống của bạn bè, biệt danh vui bạn bè đặt cho anh là “Má Hải” nên không suy nghĩ lâu, anh quyết định lấy cái tên đó đặt cho sản phẩm. Cái tên gần gũi, dễ mến, khiến nhiều người nhầm tưởng Hải là phụ nữ mỗi khi gọi đến đặt hàng.
Sau vài tuần, có đủ vốn, Hải mạnh dạn thuê nhân viên, đầu tư đồng phục, mũ, tạp dề, găng tay… để tạo “bộ nhận diện thương hiệu” bắt mắt. Hải tổ chức khoảng bốn, năm nhân viên cùng bán một lúc. Một bạn chào khách, mời người đi đường, một bạn giao bánh mì, những người còn lại tập trung chuyên môn tối đa, làm ra những ổ bánh mì với tốc độ chớp nhoáng: 10 giây một ổ.
Năm 2014, khi làm đề tài tốt nghiệp, Hải chọn luôn câu chuyện khởi nghiệp bán bánh mì lề đường. Cũng thời điểm này, thương hiệu bánh mì của anh đã có khách ổn định. Từ việc kinh doanh không định hướng, ông chủ trẻ đã tập trung đầu tư bài bản hơn. 10 xe bánh mì lần lượt có mặt dọc các tuyến đường quanh khu vực quận 5, quận 10.
Quyết định kinh doanh của Hải không được gia đình ủng hộ. Tuy nhiên Hải tin, thời gian và nỗ lực là câu trả lời để mẹ hiểu về quyết định của anh. Với giá bán 12.000 đồng/ổ bánh, dịch vụ phục vụ tốt, đảm bảo vệ sinh, thương hiệu bánh mì Má Hải nhận được rất nhiều “điểm cộng” từ khách hàng.
Không chia sẻ doanh thu, lợi nhuận kiếm được, Hải nói anh làm vì đam mê, cảm hứng làm chủ, đặc biệt là câu chuyện “dám”. Anh chia sẻ: “Ý tưởng, năng lực thì ai cũng có, khác nhau ở chỗ ai dám làm và thành công”.
Ông chủ trẻ cũng không giấu tham vọng xây dựng văn hóa bánh mì lề đường ở Việt Nam theo đẳng cấp khác, văn minh, lịch sự hơn. Thương hiệu sẽ hướng đến việc có một hệ thống cửa hàng với lò nướng bánh, máy làm chả, chế biến chuyên nghiệp, cho khách cảm giác như đang ăn bánh ở nhà hàng.
Bí quyết khởi nghiệp của Hải là “chẳng có bí quyết gì cả, gọi là kinh nghiệm thì đúng hơn. Mình cũng lơ ngơ làm sai tùm lum, rồi sửa sai mới đúc kết được nhiều bài học. Hải còn có thói quen là cái gì không biết, không chắc thì hỏi thầy cô, bạn bè và những anh chị khóa trên.
“Thầy giỏi” ở khắp mọi nơi. Những người thành đạt cũng muốn truyền lại cho thế hệ đàn em những bài học của họ lắm. Họ cũng không thu học phí, cái họ cần là sự học hỏi chân thành của bạn”.
Theo Thương Trường
————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội
#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan