Jack Ma “ngã ngựa” chỉ vì một câu nói?

Jack Ma “ngã ngựa” chỉ vì một câu nói?

Nguyên nhân sâu xa khiến Jack Ma ‘ngã ngựa’: Alibaba có cổ phần ở hầu hết các tờ báo, mạng xã hội ở Trung Quốc, từng có ‘quyền sinh, quyền sát’ với bất kỳ thông tin nào trên Internet.

Jack Ma ngã ngựa chỉ vì một câu nói?
Jack Ma ngã ngựa chỉ vì một câu nói?

Không đơn giản một câu nói vạ miệng có thể khiến Jack Ma “ngã ngựa”.

Mùa xuân năm 2020, một vụ bê bối liên quan đến một giám đốc điều hành cấp cao của Alibaba đã khiến cư dân mạng Trung Quốc xôn xao. Vợ của Jiang Fan, khi đó là Tổng giám đốc trẻ nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã viết trên Weibo để cảnh báo một người phụ nữ khác. Đây là một người mẫu, có ảnh hưởng trên mạng xã hội với lời nhắn gửi: Hãy “tránh xa chồng tôi ra”.

Bài đăng đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi khắp cõi mạng xã hội, với hàng nghìn người dùng Weibo đặt câu hỏi liệu Jiang và ngôi sao internet kia có ngoại tình hay không và liệu điều đó có ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh hoặc đầu tư của Alibaba hay không. Câu chuyện này sau đó đã biến thành một vấn đề về quan hệ công chúng đối với công ty. Sau đó, lưu lượng truy cập về Jiang Fan trên Internet dần biến mất.

Theo một bài báo được xuất bản bởi tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, Weibo đã xóa các bài đăng, đóng bình luận và gỡ bỏ các chủ đề tìm kiếm thịnh hành về Jiang Fan. Điều này ngay lập tức khiến công chúng tập trung vào mối quan hệ của Weibo với Alibaba – cũng là cổ đông lớn của mạng xã hội này. Sự việc sau đó thậm chí được đẩy lên cao trào hơn nữa.

Không rõ điều gì đã thúc đẩy hành động của Weibo và không có bằng chứng cho thấy Jiang Fan hoặc Alibaba ảnh hưởng đến quyết định của Weibo. Cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc ngay sau đó đã phạt trang web này vì đã can thiệp vào việc “lan truyền các ý kiến liên quan đến một người có họ Jiang”.

Một nguồn tin của Bloomberg cho biết, quy mô và tốc độ mà trang Weibo xóa các bài đăng về Jiang Fan được các quan chức chính phủ xem như hành động “vượt qua ranh giới”. Người này cho biết sự việc đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách không chỉ đối với Weibo mà còn về ảnh hưởng của nhà đầu tư lớn nhất vào đây Jack Ma và các công ty của ông trên các phương tiện truyền thông.

Nhà bình luận Song Qinghui viết: “Điều đáng sợ là các bài viết bị xóa nhanh chưa từng thấy”.

Jack Ma được tôn là doanh nhân thành công nhất Trung Quốc vì đã xây dựng Alibaba và công ty công nghệ tài chính Ant Group vốn có tầm ảnh hưởng trong mọi mặt cuộc sống của người dân Trung Quốc từ mua sắm đến giao đồ ăn. Điều đó ít thể hiện rõ nét cho đến khi sự việc của Jiang vỡ lở khiến ai cũng có thể hình dung được tầm ảnh hưởng mà Jack Ma và các công ty của ông đang có thông qua việc nắm giữ cổ phần tại các công ty truyền thông.

Danh mục đầu tư của Alibaba bao gồm các khoản đầu tư vào các tờ báo, các diễn đàn trực tuyến kiểu BuzzFeed, các nền tảng xã hội giống Twitter và các công ty sản xuất truyền hình — một nhóm cung cấp thông tin và giải trí cho khoảng một tỷ người tiêu dùng.

Richard McGregor, một thành viên cấp cao tại Viện Lowy cho biết: “Việc nắm giữ báo chí tư nhân là sự khởi đầu của một đế chế. Thực tế Jack Ma cũng là một ông trùm truyền thông, ngoài lĩnh vực thương mại điện tử và tài chính. Điều này khiến quyền lực của ông ấy ngày một tăng và trở thành vấn đề nhạy cảm”.

Chưa kể đến việc, vận may của Jack Ma đã suy yếu kể từ khi ông công khai quở trách những nhà băng Trung Quốc tại một hội nghị ở Thượng Hải vào tháng 10/2020. Sau đó, thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant bị đình chỉ còn Alibaba liên tiếp chịu phạt cũng như yêu cầu cải tổ hệ thống.

Về phần mình, phía Alibaba vẫn khẳng định rằng các khoản đầu tư của họ chỉ tập trung vào việc thúc đẩy sự phối hợp thương mại với các doanh nghiệp thương mại điện tử và giải trí kỹ thuật số. Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy, họ đang có quyền lực quá lớn ở Trung Quốc khi nắm trong tay một hệ sinh thái truyền thông khổng lồ.

“Đế chế” phương tiện truyền thông

Weibo nhắc lại tuyên bố của họ vào tháng 6/2020, khi bị cơ quan quản lý kỷ luật, nói rằng họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của chính phủ và cải thiện khả năng kiểm soát thông tin vi phạm quy định. Họ cam kết sẽ “duy trì trật tự của truyền thông trực tuyến và thiết lập một môi trường lành mạnh cho cộng đồng Weibo”.

Trong số các công ty truyền thông và giải trí mà Jack Ma, Alibaba và Ant có cổ phần, Weibo là một trong những công ty nổi bật nhất với hơn 500 triệu người dùng hàng tháng. 30% cổ phần của Alibaba tính đến tháng 4 năm ngoái đã biến họ trở thành cổ đông lớn nhất của nền tảng này, chỉ sau công ty mẹ của Weibo là Sina Corp.

Năm 2015, Alibaba mua lại South China Morning Post, tờ báo tiếng Anh địa phương lớn nhất Hồng Kông. Họ cũng nắm 30% cổ phần của nhà cung cấp tin tức Yicai Media Group. Ant tiếp nối với khoản đầu tư không được tiết lộ vào nhà xuất bản tạp chí kinh doanh có ảnh hưởng nhất Trung Quốc Caixin Media. Ngoài ra còn có Alibaba Pictures chuyên hỗ trợ các bộ phim bom tấn của Hollywood như Mission: Impossible – Fallout và Star Trek Beyond.

Ngoài những khoản đầu tư này, còn rất nhiều các khoản đầu tư nhỏ lẻ vào khoảng 10 công ty khác nữa.

“Alibaba không can thiệp hoặc tham gia vào các hoạt động hàng ngày của công ty hoặc các quyết định biên tập”, người phát ngôn của công ty khẳng định. Người này đồng thời cho biết thêm rằng công ty là một nhà đầu tư thiểu số thụ động trong hầu hết các công ty.

Jack Ma không phải doanh nhân duy nhất có “tay chân” trong lĩnh vực truyền thông. Tencent Holdings – tập đoàn sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat — tự hào với hơn một tỷ người dùng xem đây như cổng tin tức của riêng mình. Chủ sở hữu TikTok là ByteDance kiểm soát Jinri Toutiao, một trong những nền tảng nội dung và tin tức phổ biến nhất của Trung Quốc. Nhà điều hành công cụ tìm kiếm Baidu Inc thì nắm cổ phần trong trang web Hỏi & Đáp Zhihu.

Án phạt cho Weibo

Sau sự việc, tờ Caixin đưa tin, Jiang đã gửi lời xin lỗi nội bộ về thiệt hại do các bình luận trên Weibo và tin đồn trên mạng của thành viên gia đình mình gây ra. Ông thúc giục Alibaba khởi động một cuộc điều tra, kết thúc bằng việc ông bị cách chức và loại khỏi nhóm 38 người có ảnh hưởng đến hội đồng quản trị của công ty.

Cuộc điều tra về những cáo buộc về hành vi không đúng đã kết luận rằng không có sự chuyển giao quyền lợi nào giữa Jiang và người có ảnh hưởng hoặc công ty của cô gái trẻ được vợ của ông nhắc tới.

Câu chuyện lắng xuống nhưng Weibo thì không tránh khỏi vận đen. Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc vào tháng 6 đã ra lệnh cho Weibo ngay lập tức chấn chỉnh “việc can thiệp vào các vụ việc gây xôn xao dư luận của Jiang và lan truyền thông tin vi phạm luật và quy định”. Cơ quan giám sát đã phạt Weibo bằng cách đóng băng danh sách các chủ đề nóng trong một tuần.

Đó chỉ là sự khởi đầu của rắc rối.

Trong vài tháng tiếp đó, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã liên tiếp “ra đòn” nhằm kiềm chế quyền lực mà Jack Ma và các ông trùm công nghệ khác nắm giữ đối với thương mại, dữ liệu và fintech ở nền kinh tế lớn nhất châu Á. Ant và Alibaba đã trở thành tâm điểm của cuộc chỉnh đốn này. Kể từ đó, Jack Ma cũng gần như mất tích.

Hồi tháng 2, truyền thông địa phương đã nhiệt tình đưa tin về bài phát biểu của Jack Ma và một đoạn clip ông đi tham quan một trường tiểu học ở quê hương Hàng Châu. Một trang tin tức trực tuyến được chính quyền tỉnh Chiết Giang hậu thuẫn là một trong số những đơn vị đầu tiên viết về sự xuất hiện trở lại của Jack Ma. Những trang khác bao gồm Global Times, Yicai và một số cổng thông tin điện tử của Trung Quốc đã theo dõi, đăng các đoạn trích của bài nói chuyện của ông hoặc viết các câu chuyện của riêng họ.

Huxiu, một ấn phẩm trực tuyến do Ant hậu thuẫn, cho biết họ sẽ tạm dừng các dịch vụ trong một tháng vào tháng 12 sau khi họ xuất bản một bài xã luận chỉ ra những rủi ro của các cuộc đàn áp chống độc quyền. Bài báo đã bị xóa.

Cuối năm ngoái, nguồn tin của Bloomberg nói rằng chính phủ đã ban hành một chỉ thị cho các phương tiện truyền thông địa phương của Trung Quốc không đưa tin, phân tích hoặc đưa các bài viết nêu quan điểm về Jack Ma và các chủ đề chống độc quyền. Họ được yêu cầu chỉ trích dẫn các câu chuyện từ các phương tiện truyền thông nhà nước.

Thực tế này khác xa so với những ngày mà Alibaba và các đối thủ cạnh tranh của họ thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn, thu hút sự chú ý của các cổng thông tin lớn nhất của đất nước.

“Alibaba và Jack Ma luôn thu hút sự chú ý lớn của dư luận và giới truyền thông,” Fang – một giảng viên đại học cho biết. “Trong tương lai gần, có lẽ sẽ không có việc một công ty tư nhân có thể đầu tư vào nhiều nền tảng truyền thông như vậy”.

Theo Bloomberg

————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *