Phải thống nhất những gì trước khi khởi nghiệp?

Phải thống nhất những gì trước khi khởi nghiệp?

Phải thống nhất những gì trước khi khởi nghiệp?
Phải thống nhất những gì trước khi khởi nghiệp?

Ai cũng biết khởi nghiệp không phải một con đường êm ái trải hoa hồng, nếu đi một mình bạn có thể dễ thấy chán nản và lạc lối, dần dần bạn sẽ muốn từ bỏ nó. Nhưng nếu bạn có những người đồng hành (Co – Founder) đi cùng, khó khăn sẽ được san sẻ, tính cam kết và động lực cũng sẽ được đẩy cao hơn.

Tuy nhiên, có hơn 90% công ty thất bại khi mới khởi nghiệp. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do vấn đề nội bộ. Vì vậy, việc trước khi bắt đầu công việc này, điều tiên quyết là bạn cần có những thoả thuận/ điều khoản hợp tác với những cộng sự của mình.

Với những thỏa thuận rõ ràng này, đội ngũ khởi nghiệp của bạn sẽ nhanh chóng giải quyết những vấn đề/ khó khăn phát sinh. Tạo sự đồng lòng và quyết tâm trong công việc. Nhờ vậy mà đội nhóm sẽ cùng nhau tiến xa hơn. Tôn Tử có câu: “Nếu hai bên giao chiến, bên nào mạnh hơn thì bên đó sẽ thắng. Nếu hai bên đều mạnh như nhau, bên nào nhanh hơn bên đó sẽ thắng”.

Dưới đây, Đừng Tưởng Dễ xin trích dẫn câu chuyện khởi nghiệp của một đôi bạn để từ đó mọi người có thể thấy được những “điều khoản” mà đội ngũ khởi nghiệp cần nhớ và cần có nếu muốn khởi sự kinh doanh.

Hắn và thằng bạn cãi nhau to. Cũng thật lạ, kể từ khi cùng nhau lập nghiệp tới giờ, có biết bao lần hai thằng làm gãy dự án của mình mà chả bao giờ cãi nhau. Đến nay có vẻ được được thì lại sinh chuyện.

Chả là hắn và thằng bạn sau nhiều lần chật vật với cái quán cà phê của mình thì cũng đã xoay được ổn. Cái quán mới mua sang lại, thời gian đầu có ế, nhưng sau đó nhờ tích cực tuyển mấy em xinh xinh về phục vụ, đồng thời đẩy mạnh giao hàng các kiểu thì đã sống được. Tưởng mọi chuyện yên ổn rồi, thì hai thằng bắt đầu bất đồng với nhau.

Chuyện là thế này, sau khi làm ăn ổn rồi, hắn và thằng bạn bắt đầu có dư thời gian để lo chuyện riêng của mình. Thằng bạn hắn thì tiếp tục chạy quảng cáo thuê cho người ta, còn hắn thì sau một lần bị sét đánh đã chuyển sang mê viết văn làm thơ. Thời gian đầu thì chả có vấn đề gì, vì ngồi làm thơ hay ngồi chạy quảng cáo cũng chỉ cần ôm laptop, ngồi đâu chả được. Hai thằng vẫn cứ ngồi ở quán, và quán vẫn chạy đều. Nhưng rồi thời gian sau thì thằng bạn hắn bắt đầu đắt sô. Nói gì thì nói, bán quán cà phê đâu có lời bằng chạy quảng cáo thuê! Thế là nó dần tập trung việc chạy quảng cáo riêng hơn là coi quán.

Nó bắt đầu bỏ quán nhiều hơn để đi gặp khách hàng. Nhân viên bê trễ nó không quan tâm lắm, chạy chương trình cho quán nó cũng quên luôn.

Còn hắn thì dĩ nhiên vẫn vậy. Thời đại này thơ văn làm gì bán được. Chả mà cụ Tản Đà có bảo là văn chương hạ giới rẻ như bèo đó sao! Mà thời đại này bèo còn vớt cho heo ăn, chứ còn thơ văn mà ép người ta đọc, người ta còn chửi cho ấy chứ…

Thế nên cuối cùng đứa lo mọi chuyện về quán là hắn. Ban đầu thấy bạn mình làm ăn được hắn cũng vui lây. Nhưng khi mọi thứ chuyển sang lầy thì không còn vui lắm nữa. Công việc của cả hai lúc trước san sẻ, giờ hắn phải lo hết. Nhưng dĩ nhiên lợi nhuận phải chia đôi. Nói gì thì nói, thân thì thân, chứ kiểu đó thì ai mà chịu được. Vậy là hai đứa giận nhau to.

Hắn giằng cái ghế, bảo rằng thằng bạn không biết đồng lòng. Thằng bạn nhún vai bảo mày phải thông cảm cho tao chứ. Hắn đập cái ly, bảo rằng tao có hỗ trợ nhưng mày bỏ hết thì coi sao được. Thằng bạn hắn gãi cằm bảo ừ thì việc kia nhiều tiền hơn biết làm sao. Hắn đấm vào tường, bảo rằng tao đau tay quá mày ơi. Thằng bạn hắn quẹt mũi bảo thôi mày ráng đi, tao cũng muốn nghỉ lâu lắm rồi, thấy mày làm nhiều tao cũng khó xử, nhưng cũng chả biết phải làm sao… Hắn lặng đi, cười buồn cho số phận. Thật mông lung như một trò đùa! Trái tim không thuộc về nhau, giấc mơ không là của nhau thì biết sao bây giờ…

Nhiều nhóm khởi nghiệp cũng vậy, lúc khó khăn thì vô cùng đồng lòng; nhưng khi khấm khá bắt đầu mỗi người một giấc mơ. Nhưng đến khi đã có giấc mơ riêng, thì dự án chung bắt đầu đi vào ngõ cụt: thằng muốn nghỉ không biết làm sao nghỉ, kiểu như nghỉ sẽ giống phản bội anh em; thằng muốn làm tiếp thì nản vì bạn bè bỏ, một thằng làm mười thằng hưởng, gồng không nổi nên cũng xụi lơ.

Lẽ ra hắn và thằng bạn đã có kết cục tốt hơn, nếu như hai thằng chịu soạn một văn bản thống nhất trước khi bắt tay vào dự án, ít nhất là với các điểm sau:

1. SỐ VỐN GÓP CỦA MỖI NGƯỜI, NẾU ĐƯỢC THÌ CÓ THỜI ĐIỂM GÓP CỤ THỂ (trách nhiệm tài chính): Cái này dễ hiểu rồi.

2. NHIỆM VỤ CỦA MỖI NGƯỜI, CÙNG VỚI MỤC TIÊU CỤ THỂ:

Ví dụ, hắn là dân pha chế, thì nhiệm vụ của hắn cho quán có thể là trong tháng ngày nghĩ ra một món mới, đạt doanh số 100 ly/tháng chẳng hạn. Nên chú ý rằng phải có con số và thời hạn cụ thể, vì nếu không cụ thể thì chia nhiệm vụ cũng như không, ai thích làm biếng sẽ làm biếng.

3. MỤC TIÊU CỦA CẢ NHÓM THEO TỪNG GIAI ĐOẠN, KÈM THEO ĐỊNH GIÁ DỰ ÁN SAU MỖI GIAI ĐOẠN:

Mục tiêu của dự án thì nhiều, nhưng thường có thể lấy những số phổ biến như doanh thu, lợi nhuận, số khách… để chia giai đoạn. Ví dụ, quán cà phê của hắn có thể lấy số khách để chia thành các giai đoạn phát triển: giai đoạn A đạt 50 khách/ngày; giai đoạn B đạt 100 khách/ngày… kéo dài trong 3 tháng chẳng hạn.

4. PHÂN CHIA QUYỀN LỢI CỦA TỪNG NGƯỜI SAU MỖI GIAI ĐOẠN, VÀ CỨ SAU KHI KẾT THÚC MỖI GIAI ĐOẠN THÌ NGỒI LẠI BÀN VỚI NHAU VỀ ĐỊNH HƯỚNG SẮP TỚI (nếu có ai muốn nghỉ thì chỉ được nghỉ lúc này):

Ví dụ, sau giai đoạn A, hắn và thằng bạn thống nhất ngồi lại với nhau bàn cách vượt qua giai đoạn B. Lúc này, mỗi thằng có quyền nghĩ tới chuyện rút lui không làm nữa, và sẽ giữ lại phần chia của mình đã đạt được ở giai đoạn A, nhưng không được xơ múi gì phần chia giai đoạn B.

Giả sử định giá giai đoạn A của quán cà phê là 100 triệu (hai thằng đều hoàn thành, chia đôi, mỗi thằng 50 triệu, tức 50%), giai đoạn B là thêm 100 triệu nữa, và thằng bạn hắn muốn rút sau khi kết thúc giai đoạn A; thì khi hắn tự mình cày cho đạt giai đoạn B (định giá 200 triệu), hắn sẽ có 150 triệu cổ phần (75%), thằng bạn 50 triệu (25%).

Rõ là ai làm nấy hưởng, không ảnh hưởng tới cái chung. Nhiều nhóm bỏ quên điều này, và không biết phải xử lý sao khi có người muốn ra đi. (Nói thêm ở đây, việc chia đều vốn góp ban đầu là một biểu hiện của nhóm… non kinh nghiệm. Họ không biết phải chia sao, nên… chọn cách dễ nhất là chia đều.)

5. CÁCH THỨC XỬ LÝ KHI CÓ NGƯỜI MUỐN RÚT:

Có nhiều cách, nhưng có vẻ hợp lý nhất trong tình hình mới chớm là chỉ được rút sau mỗi giai đoạn, còn nếu muốn rút ở giữa giai đoạn nào đó, thì sẽ mất hết phần trong giai đoạn này (xem mục 4).

6. “LƯƠNG” CỦA MỖI NGƯỜI TRONG DỰ ÁN:

Nhiều người hay kiểu, “tôi làm không lương” và lấy làm vinh hạnh lắm. Thực ra làm không lương không phải vì bạn giàu như Donald Trump, mà chẳng qua vì bạn không tự tin vào năng lực của mình mà thôi. Nếu lấy lương và làm không ra gì, mấy thằng bạn của bạn sẽ hận bạn mất, đúng không?

Thực ra ai cũng nên có lương, mục đích chính là để cả nhóm cùng định rõ giá trị đóng góp của mỗi người vào dự án. Chia vốn góp đều, chia lãi đều, làm không lương, combo sát thủ này đã giết chết không biết bao nhiêu dự án rồi.

Một tờ giấy ghi rõ các điều khoản thống nhất trước dự án có thể không có cơ sở pháp lý, nhưng ít nhất là văn bản rõ ràng để anh em dựa vào đó mà hành xử. Thiếu văn bản thống nhất, không phân chia nhiệm vụ rõ ràng, cái gì cũng chia đều và làm vì niềm vui… một cách tự sát nhanh chóng của nhà khởi nghiệp.

Nguồn: MBA Đường phố Tổng hợp và Biên tập
————————–
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: iLIGHTIS Housing, 37 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội #MBA_Đường_phố

#MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *