Bài học MBA “vỡ lòng” từ 1 tài xế Taxi

Bài học MBA “vỡ lòng” từ 1 tài xế Taxi

Bài học MBA vỡ lòng từ 1 tài xế Taxi.MBA Đường phố
Bài học MBA vỡ lòng từ 1 tài xế Taxi

Vào 1 buổi chiều, khi Mr. Quân Idea – Founder MBA Đường phố đang vội bắt 1 chiếc taxi ra sân bay để kịp chuyến công tác, và người tài xế lái chiếc taxi này đã trở thành nguồn cảm hứng cho 1 câu chuyện mà Mr. Quân Idea mãi về sau này vẫn thường nhắc đi nhắc lại như 1 bài học kinh điển trong các lớp Đào tạo về Khởi nghiệp, Kinh doanh của mình!

Tài xế Taxi kỳ lạ …

Tôi cần đi từ Liễu Giai đến ngay sân bay nên vội vàng kết thúc cuộc họp và vẫy 1 chiếc taxi ở ngay phía trước tòa nhà Lotte.

1 người lái xe taxi nhìn thấy tôi. Anh ta lái xe 1 cách chuyên nghiệp và dừng lại ngay trước mặt tôi. Và câu chuyện tiếp theo với người lái taxi đã đem lại cho tôi nhiều bài học bất ngờ như thể tôi đang tham dự 1 khóa học MBA vô cùng sống động.

“Anh muốn đi đâu ạ?”

“Làm ơn tới sân bay”

“Vâng, mời anh lên xe!”, người tài xế tiếp tục cuộc trò chuyện.

“Ở khu Liễu Giai, tôi thường đón khách ở phía trước tòa nhà Lotte. Tôi chỉ đón 2 nơi: tòa nhà Lotte và Metropolis. Anh có biết, tôi đã đi vòng quanh tòa nhà Lotte 2 lần trước khi nhìn thấy anh. Những người rời khỏi khỏi tòa nhà văn phòng này chắc chắn không đi tới 1 nơi nào đó gần đây”.

“Ồ, anh quả thật rất rất thông minh!”, tôi tán thưởng.

“Là 1 tài xế taxi, chúng tôi cũng phải làm việc theo phương pháp khoa học”, người tài xế nói.

Tôi rất ngạc nhiên và tò mò: “Phương pháp khoa học gì?”

“Tôi phải hiểu rõ những con số. Để tôi giải thích với anh. Trung bình 1 ngày tôi lái xe 10 tiếng, vì vậy Chi phí tính theo giờ của tôi là 60.000đ”.

Tôi ngắt lời: “Làm thế nào mà anh tính được con số đó?”

“Anh có thể tính như sau: Giả sử, tất cả các Chi phí mỗi ngày tôi phải trả mỗi ngày bao gồm: 400.000đ cho công ty để thuê xe, chi phí xăng cho mỗi km của xe là 1.600đ/ km. Tôi làm việc 10 giờ mỗi ngày.
Nếu tính theo giờ, Chi phí mà tôi phải trả cho công ty là 400.000 : 10 = 40.000đ/ giờ và trong thời gian đó tôi thường đi được 12.5 km tương ứng với 1.600 x 12.5 = 20.000đ/ giờ tiền xăng. Chẳng phải tổng Chi phí là 40.000 + 20.000 = 60.000đ/ giờ đó sao? Hay Điểm Hòa vốn của tôi trong 1 giờ là 60.000đ, trong 1 phút là 60.000 : 60 = 1.000đ/ phút”

(Tham khảo bài viết về Điểm Hòa vốn tại đây)

Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi đi taxi 5 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp 1 người tài xế tính toán Chi phí theo cách này. Anh ấy lại nói tiếp: “Trước đây, tất cả các tài xế đều nói rằng Chi phí cho mỗi kilômét là 6.000đ bao gồm tất cả các Phí nộp về công ty.”

“Không nên tính toán Chi phí theo mỗi kilômét mà nên tính theo giờ. Anh thấy đấy, công ty luôn cho chúng tôi xem lại lịch sử giao dịch qua điện thoại, thông qua đó có thể xem chi tiết trong ngày. Tôi đã phân tích các dữ liệu này. Khoảng thời gian giữa các cuốc xe trung bình là 8 phút (tìm kiếm khách hàng mới). Nếu tôi bắt đầu tính doanh thu khi có khách vào xe, tôi nhận được 25.000đ trong khoảng 10 phút (đi được 3,75 km). Nhưng nếu tính cả thời gian đi tìm kiếm khách hàng mới thì tôi mất thêm 8 phút nữa là 18 phút và được trả 25.000đ, thì tổng Chi phí thực sự phải cho nhà xe là 60.000 x (18 : 60) = 18.000đ/ 18 phút”.

“Vậy nên, nếu khách hàng lại chỉ đi 1 đoạn đường ngắn, 25.000đ trong 10 phút, thì chúng tôi chỉ có nước treo niêu!”. [Lợi nhuận Ròng cuốc xe = Doanh thu – Tổng chi phí = 25.000 – 18.000 = 7.000đ].

Thật đáng kinh ngạc. Người lái xe này không có vẻ giống như 1 người lái xe taxi mà giống như 1 CFO thậm chí là CEO hơn!

So sánh P&L theo Km và Thời gian.Bài học MBA vỡ lòng từ 1 tài xế Taxi.MBA Đường phố
So sánh P&L theo Km và Thời gian

Đừng coi thường 1 người lái Taxi, anh ấy có thể đáng làm thầy của bạn!

“Vậy anh đã làm thế nào?” Tôi thấy hứng thú hơn và tiếp tục câu chuyện với người lái xe. Dường như tôi sẽ học được 1 điều gì đó mới mẻ trên đường đến sân bay.

“Anh không được để cho khách hàng quyết định mọi thứ. Anh quyết định những gì mình muốn làm dựa trên vị trí, thời gian và khách hàng”.

Tôi cực kỳ ngạc nhiên, nhưng điều này có rất nhiều ý nghĩa.

“Có người nói rằng lái xe taxi là 1 nghề phụ thuộc nhiều vào may mắn. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi phải đứng ở vị trí của khách hàng và xem xét mọi thứ từ quan điểm của khách hàng”.

Những gì người lái xe taxi nói nghe có vẻ rất giống với những gì mà nhiều giảng viên quản trị kinh doanh vẫn thường nói: “Đặt mình vào vị trí của người khác”.

“Tôi sẽ cho anh thấy 1 ví dụ. Anh đang đứng ở cổng bệnh viện. Có người cầm 1 túi thuốc và 1 người khác đang cầm 1 chiếc chậu. Anh sẽ đón vị khách nào?”.

Tôi nghĩ về điều đó và trả lời rằng tôi không biết.

“Hãy đón người đang cầm chiếc chậu. Nếu anh chỉ bệnh vặt và muốn được kiểm tra để lấy ít thuốc, anh sẽ không đi đến 1 bệnh viện ở xa. Còn người nào mang theo chậu thì chắc chắn là họ đã được xuất viện”.

Người lái xe taxi tiếp tục nói: “Khi nhập viện, nhiều người không may mắn qua khỏi. Hôm nay, 1 bệnh nhân nào đó trên tầng 2 qua đời. Ngày mai, 1 bệnh nhân khác trên tầng 3 qua đời. Điều đó khiến những người được xuất viện có cảm giác là họ đã may mắn được trao tặng 1 cuộc sống thứ 2, họ nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống 1 lần nữa – sức khỏe là điều quan trọng nhất. 1 bệnh nhân vừa mới xuất viện nói với tôi, “Đi … đi đến Ba Vì”. Anh có nghĩ rằng rằng vị khách đó muốn bắt taxi đến bến xe để rồi bắt xe khách về Ba Vì? Tuyệt đối không! Vị khách đó chắc chắn sẽ đi taxi để tận hưởng 1 chuyến đi thoải mái”.

Tôi bắt đầu thấy ngưỡng mộ người tài xế.

“Để tôi kể cho anh nghe 1 ví dụ khác. 1 hôm, tại Vincom Bà Triệu, có 3 khách hàng tiềm năng vẫy tôi. 1 phụ nữ trẻ, vừa mua sắm xong, đang lỉnh kỉnh xách 1 đống túi. Tiếp theo là 1 cặp vợ chồng trẻ có vẻ vừa ra ngoài đi dạo. Vị khách thứ 3 là 1 người đàn anh mặc 1 chiếc áo lụa, khoác áo khoác và cầm túi đựng máy tính xách tay”.

Người lái xe taxi tiếp tục, “Tôi chỉ mất 3 giây để nhìn vào mỗi vị khách và tôi dừng lại trước mặt người đàn anh mà không chút do dự. Khi người đàn ông này bước vào xe và anh ấy không thể không hỏi tôi, “Tại sao anh lại dừng đón tôi mà không do dự? Có 2 người ở phía trước. Họ cũng muốn bắt xe. Tôi hơi ngại ngần khi giành xe với họ”. Tôi trả lời: “Giờ đang là buổi trưa, chỉ chừng hơn chục phút nữa là đến 13h00. Người phụ nữ trẻ tranh thủ buổi trưa ra ngoài mua sắm và tôi đoán chắc công ty của cô ấy phải ở gần đó. Cặp vợ chồng là khách du lịch vì họ không mang theo thứ gì và họ sẽ không đi xa. Còn anh ra ngoài vì công việc. Anh mang theo túi đựng máy tính xách tay. Nếu anh đi ra ngoài vào lúc này, tôi đoán chỗ đó sẽ không quá gần’. Người đàn anh đó nói, “Anh nói đúng. Tôi đến Hà Đông!”.

Rất có lý! Tôi bắt đầu thích thú cuộc trò chuyện với người lái xe taxi hơn.

“Nhiều tài xế phàn nàn rằng làm ăn ngày càng khó khăn, giá xăng dầu lại tăng. Họ cố gắng đổ lỗi cho người khác. Nếu anh tìm cách đổ lỗi cho người khác, anh sẽ không bao giờ nhận được điều gì tốt đẹp hơn. Anh phải tìm vấn đề ở chính mình”. Điều này nghe có vẻ rất quen thuộc. Nó giống như câu nói “Nếu bạn không thể thay đổi thế giới, thì bạn nên thay đổi chính mình!”.

“1 lần, trên đường Minh Khai, 1 vị khách vẫy xe tôi và muốn đi đến Thanh Nhàn. 1 lần khác, 1 vị khách khác cũng vẫy xe trên đường Minh Khai và anh ta cũng muốn đi đến Thanh Nhàn. Vì vậy, tôi đã hỏi, “Tại sao mọi người vẫy xe ở Minh Khai đều muốn đến đường Thanh Nhàn?”. Vị khách đó liền giải thích, “Ở đường Minh Khai có 1 điểm xe buýt công cộng. Chúng tôi đều đi xe buýt từ Ocean Park đến Minh Khai, và sau đó đi taxi đến Thanh Nhàn”. Tôi liền hiểu ngay. Anh hãy nhìn con đường mà chúng ta vừa đi qua. Không có nhiều cơ quan, công sở, chỉ có 1 trạm xe buýt công cộng. Những người vẫy taxi chủ yếu là những người vừa mới xuống khỏi xe buýt công cộng, và họ chỉ đi taxi 1 đoạn đường ngắn. Những người vẫy taxi ở đây thường đi không quá 30.000đ. Thế nên, tôi không bao giờ quay trở lại để đón khách tại đường Minh Khai trong giờ đó nữa”.

“Vì vậy, tôi mới nói rằng thái độ quyết định tất cả mọi thứ!”

Tôi đã nghe rất nhiều CEO của các công ty phát biểu như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe điều đó từ 1 người lái xe taxi.

Bài toán P&L kinh điển …

Người lái xe taxi tiếp tục câu chuyện của mình, “Chúng tôi phải sử dụng các phương pháp khoa học và các số liệu thống kê để làm việc. Những người cứ hàng ngày đợi khách ở ga tàu, bến xe bus sẽ không bao giờ kiếm được tiền. Làm thế nào để kiếm được 8 triệu đưa cho vợ con mỗi tháng? Anh phải trang bị cho mình kiến thức. Anh phải học hỏi để trở thành 1 người thông minh. 1 người thông minh học hỏi để trở thành 1 người rất thông minh. 1 người rất thông minh học hỏi để trở thành 1 thiên tài”.

“Có 1 lần, 1 vị khách muốn bắt taxi để đi công tác (34 km). Tôi hỏi anh ấy muốn đi như thế nào. Anh ta chỉ đường và tôi nói rằng nếu đi theo đường đó sẽ rất lâu. Tôi đề nghị đi đường cao tốc nhưng vị khách đó bảo đi theo đường đó rất xa (nghĩa là anh ấy sẽ mất thêm phí). Tôi mới bảo anh ta: “Không vấn đề gì. Anh vẫn thường đi theo đường đó và mất khoảng 500.000đ. Nếu đi theo đường của tôi, đến 500.000đ tôi sẽ tắt đồng hồ tính tiền. Anh chỉ phải trả cho tôi 500.000đ. Phần vượt quá tôi sẽ trả.

Nếu đi theo cách của anh sẽ mất 60 phút nhưng đi theo đường của tôi sẽ chỉ mất 20 phút”. Cuối cùng, chúng tôi đã đi theo cách của tôi. Chúng tôi đi xa thêm 12 cây số nữa nhưng nhanh hơn 40 phút. Tôi chấp nhận chỉ lấy đúng 500.000đ. Vị khách hàng rất vui mừng vì đã tiết kiệm được 180.000đ. Nhưng anh ta không biết là đi thêm 12 cây số tôi chỉ mất thêm hơn 20.000đ tiền xăng. Vì vậy, tôi đã đổi 20.000đ này để tiết kiệm 40 phút thời gian của tôi. Như tôi vừa nói, tổng Chi phí theo giờ của tôi là 60.000đ. Điều đó rất đáng giá với tôi! Cả 2 cùng được lợi!”

“Trong 1 công ty taxi, 1 tài xế bình thường chỉ kiếm được 5 – 7 triệu mỗi tháng. Người nào giỏi hơn có thể kiếm được khoảng 7 – 8 triệu. Những tài xế thuộc top đầu có thể kiếm được khoảng 10 triệu/ tháng. Trong khoảng 5.000 tài xế, chỉ 2-3 người mới có thể kiếm được hơn 12 triệu/ tháng. Tôi là 1 trong số đó. Hơn nữa, thu nhập của tôi rất ổn định mà không có quá nhiều biến động”.

Đến lúc này, tôi cảm thấy càng ngưỡng mộ người tài xế taxi này hơn. “Tôi thường nói với mọi người rằng tôi là 1 người lái xe hạnh phúc. 1 số người nói, “Bởi vì anh kiếm được rất nhiều tiền nên đương nhiên là anh hạnh phúc rồi”. Tôi nói với họ, ‘Anh nói sai rồi. Tôi luôn vui vẻ và suy nghĩ tích cực, đó mới là lý do tại sao tôi kiếm được nhiều tiền’”.

Thật là 1 cách giải thích tuyệt vời!

“Anh phải trân trọng những vẻ đẹp mà công việc của anh đem lại. Khi bị mắc kẹt trong ùn tắc giao thông ở Nguyễn Chí Thanh, nhiều lái xe phàn nàn, “Trời ơi, lại tắc đường! Thật là không may!”. Đừng suy nghĩ như vậy. Hãy cố gắng cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Ngắm nhìn rất nhiều cô gái xinh đẹp đi ngang qua. Hay ngắm nhìn các tòa cao ốc hiện đại. Khi lái xe qua con phố Phan Đình Phùng, anh có thể ngắm nhìn rặng cây xanh 2 bên đường. Và nhìn vào đồng hồ tính tiền – đang hiển thị con số hơn 200.000đ. Điều đó thậm chí còn tuyệt vời hơn! Mỗi công việc đều có vẻ đẹp riêng. Và chúng ta cần phải học cách để cảm nhận vẻ đẹp đó trong dòng chảy hối hả của công việc”.

Khi ra đến sân bay, tôi trao cho người tài xế danh thiếp của mình và nói, “Thứ sáu này, liệu anh có vui lòng đến văn phòng của tôi để giảng giải cho đội ngũ nhân viên của tôi về cách anh vận hành chiếc xe taxi của mình? Anh có thể coi như đồng hồ tính tiền đang chạy. Và tôi sẽ trả tiền cho khoảng thời gian mà anh chia sẻ cùng chúng tôi. Hãy gọi cho tôi!”.

So sánh P&L Cao tốc và Đường thường.Bài học MBA vỡ lòng từ 1 tài xế Taxi.MBA Đường phố
So sánh P&L Cao tốc và Đường thường

Câu chuyện này được phóng tác dựa trên 1 câu chuyển chẳng biết có thật hay không mà Mr. Quân Idea (Quân Phan) – Founder MBA Đường phố đã vô tình đọc được trên mạng cách đây khá lâu, và vẫn luôn kể cho các học trò của mình như 1 bài học kinh điển về việc đơn giản hóa, ứng dụng vào thực chiến các kiến thức về Kinh doanh, Tài chính, Marketing …

Nguồn: MBA Đường phố Tổng hợp và Biên tập
————————–
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *