Tam Quốc Diễn Nghĩa – bộ tiểu thuyết kinh điển của nhà văn La Quán Trung – một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa. Đây không chỉ đơn thuần là cuốn sách tái hiện lịch sử Trung Hoa cổ đại đầy hùng tráng mà còn để lại cho hậu thế nhiều bài học sâu sắc cả trong đời sống, trong cách đối nhân xử thế và cách làm Kinh doanh. Tam Quốc Diễn Nghĩa ẩn chứa hàm nghĩa sâu sắc, vì thế mà đã có không ít bậc doanh nhân lấy đó làm cuốn sách gối đầu giường để nghiên cứu, học hỏi, áp dụng vào sáng lập và gìn giữ sự nghiệp.
BÀI HỌC 1: Luôn song hành cùng mục tiêu chung tổ chức
Dù đã từng đọc Tam Quốc hay chưa thì chắc chắn ai cũng từng một lần nghe qua sự kiện đã quá quen thuộc – “Kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Khi ấy, dù có tiếng là mang trong mình dòng máu hoàng thất, song Lưu Bị và Quan Vũ, Trương Phi thực sự không có bất cứ thứ gì ngoài mong muốn mãnh liệt là: Khôi phục nhà Hán. Tuy gặp nhiều biến cố trên con đường thực hiện mục tiêu, Lưu Bị phải hết lần này tới lần khác phải nương nhờ dưới trướng người trong thiên hạ, song, sợi dây liên kết giữa 3 anh em Lưu – Quan – Trương không vì thế mà bị cắt đứt. Tài sản quý giá nhất mà họ có được là Một khao khát chung- một hướng đi chung- một lòng trung thành, tin tưởng tuyệt đối.
Trong kinh doanh cũng vậy: Chủ doanh nghiệp, Nhà lãnh đạo và các Giám đốc bộ phận nhất thiết phải có chung một mục tiêu, lý tưởng, và hoạt động phải thống nhất với mục tiêu, lý tưởng đề ra. Bởi trong hành trình xây dựng doanh nghiệp và phát triển, những khó khăn, thử thách là điều không tránh khỏi. Việc sở hữu một mục tiêu chung cũng như một lý tưởng chung sẽ giúp cho các lãnh đạo cấp cao tạo thành một khối liên kết vững chắc, đó cũng chính là điểm tựa cho cả doanh nghiệp trước những “sóng gió” trên thương trường.
Và ngược lại, nếu không thể thống nhất cùng một mục tiêu và lý tưởng, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không lớn mạnh và lâu dài được, chưa kể đến hậu quả có thể lụi tàn.
BÀI HỌC 2: Có lòng nhẫn nại và khiêm tốn
Khi Tào Tháo đang phát binh thảo phạt phương Nam thì lúc này ở Kinh Châu, Lưu Bị ra sức thu nạp nhân tài để phát triển thế lực, Hay biết danh tiếng và tài năng của Gia Cát Lượng tại Tân Dã, Lưu Bị đã không kể thân phận mình mà 3 lần đích thân đến lều tranh để tìm gặp với mong muốn mời ông giúp sức . Hai lần đầu ghé thăm, cả ba anh em đều không gặp được ông. Dù trong lần thứ 2 cả ba anh em gặp phải trận tuyết lớn nhưng vẫn cố tới nơi vì Lưu Bị cho rằng nếu không ngại khó khăn mà đi tới thì sẽ tỏ được lòng thành. Sau 2 lần bất thành, Quan Vũ ngỏ ý không muốn đến nhưng Lưu Bị vẫn kiên quyết muốn đi. Lần thứ 3, khi đến nơi Lưu Bị kiên nhẫn đứng đợi Gia Cát Lượng ngủ một giấc rồi mới kính cẩn bàn việc lớn. Sau khi nghe Gia Cát Lượng phân tích tình hình khi ấy, Lưu Bị liền quỳ xuống mà khẩn cầu ông giúp đỡ. Cảm động bởi sự chân thành, khiêm tốn của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nhận lời và sau này giúp Thục (Thục Hán) đạt được nhiều thành tựu lớn.
Ta thấy, không chỉ riêng Chủ doanh nghiệp mà bất kỳ Quản lý ở bộ phận nào thì lòng nhẫn nại cùng với sự khiêm tốn là hai yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần làm nên giá trị nhà lãnh đạo. Bởi trên hành trình cùng “chèo lái” doanh nghiệp, sẽ có những lúc nội bộ mâu thuẫn với nhau, các thành viên bất đồng ý kiến. Việc cần làm là hãy kiên nhẫn mà giải quyết từng việc một vì mỗi một thất bại là sẽ là một bước giúp ta tiến gần hơn với mục tiêu. Mặt khác, người lãnh đạo cũng cần phải biết khi nào cần hạ cái tôi của mình mà nghiêm túc học hỏi và tiếp thu với tấm lòng cầu thị, có như vậy mới thu phục được “tướng tài”.
BÀI HỌC 3: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, khi nhắc đến Quan Vũ, Mã Tắc,… tuy là những tướng anh dũng, lập được đại công nhưng do kiêu ngạo, khinh địch, chủ quan mà đều chết thảm, và cái chết không mang lại nhiều giá trị như khán giả kỳ vọng. Quan Vũ vì thói ngạo mạn “Không có việc gì mà thanh đao trong tay ta không giải quyết được”, cậy tài chinh chiến, nhưng lại không biết nhìn người, không biết đối nhân xử thế và coi thường người khác “Hổ nữ há có thể gả cho khuyển tử” (ám chỉ việc Quan Vũ coi con trai Tôn Quyền là kẻ thấp kém, không xứng với con gái ông) ,… cuối cùng Quan Vũ phải nhận lại kết cục thảm hại, bị đánh úp chết dưới tay Lữ Mông, để thành Kinh Châu thất thủ.
Còn Mã Tắc do không nghe theo lời dặn dò của Gia Cát Lượng gây thua trận và thiệt hại lớn về quân binh nên đã bị xử chém theo Quân pháp.
Ngược lại với sự chủ quan ở trên, ta có thể nhìn vào Gia Cát Lượng, vị quân sư – chỉ huy tài ba làm việc gì cũng đều suy tính trước sau cẩn thận, biết đánh giá tương quan lực lượng, chưa kể lại có tài tiên tri như thần, “xem thiên văn hiểu mệnh Trời” nên luận biết được cơ hội, thách thức nào đang tới… Vì thế khi ông chỉ huy đánh trận, số lần bại trận chỉ tính trên đầu ngón tay và nếu có bại trận thì thiệt hại cũng được khống chế ở mức rất nhỏ.
Vậy bài học là: Trong cuộc sống hàng ngày hay trong công việc kinh doanh làm gì cũng vẫn nên thận trọng, khiêm tốn, chủ động đón đầu và vượt qua thử thách. Làm kinh doanh không có chỗ cho sự chủ quan, tự mãn, nếu đã được thành quả chút ít, phải tiếp tục tiến lên đạt được những cái lớn hơn. Đừng ngồi đó ngạo nghễ tận hưởng chiến thắng mà hãy chuẩn bị cho những thử thách tiếp theo. Kĩ năng bắt buộc phải có khi điều hành một doanh nghiệp hay thực hiện bất kỳ chiến dịch nào, đó là biết phân tích SWOT trước, đây là mô hình giúp bạn gạch đầu dòng những điểm Mạnh nhất ( Strength) mà bạn có, tự nhận biết những điểm Yếu ( Weaknesses) bạn cần khắc phục, nắm lấy Cơ hội ( Opportunities) từ bên ngoài, và phòng ngừa những Thách thức ( Threat) đang ở phía trước. Từ đó mà hoạch định được ra mục tiêu và hướng đi cho doanh nghiệp, hay nói cách khác, bạn biết đâu là nơi để “tấn công”, đâu là nơi để “phòng thủ”.
BÀI HỌC 4: Giao đúng người đúng việc
Hoàng Trung – một trong “Ngũ hổ tướng” của Thục – được Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả là một “lão tướng” song có sức địch muôn người. Lưu Bị hiểu được tài năng và sự trung thành của ông, nên dù tuổi tác của ông đã cao vẫn phong Hoàng Trung làm Hậu tướng quân, vị trí ngang hàng với Quan Vũ (Tiền tướng quân). Hoàng Trung đã cùng Lưu Bị trinh chiến và lập được nhiều công lớn.
Bài học rút ra: Điều quan trọng khi “dụng tướng” đó là dựa trên thực lực chứ không phải các yếu tố bên ngoài. Bản thân người chủ doanh nghiệp sẽ luôn phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn do đó, biết phân chia công việc cho đội ngũ cũng là kỹ năng rất quan trọng. Hơn hết phải luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến từng thành viên trong đội ngũ của mình. Vì trên cương vị một người đảm nhận mảng kinh doanh doanh nghiệp, tốc độ thay đổi chóng mặt của thị trường sẽ “cuốn” chủ kinh doanh sa vào những tư duy mang tính “tạm thời”. Ai cũng có những suy nghĩ và định kiến của riêng mình. Trên cương vị một người lèo lái doanh nghiệp, nếu chủ doanh nghiệp không thể vượt trên những định kiến của bản thân, thì có thể sẽ đánh mất đi một nhân tài hiếm có. Và, tệ hơn nữa là nhân tài ấy rất có thể sẽ đầu quân cho đối thủ của bạn. Cả Gia Cát Lượng lẫn Lưu Bị đều hiểu rằng, để có thể tiếp tục con đường chinh phạt, thì một tướng quân dày dạn kinh nghiệm sẽ luôn cần sự hỗ trợ của đoàn quân.
BÀI HỌC 5: Xác định đúng thị trường
Gia Cát Lượng đã tâu với Lưu Bị tiến chiếm Thành Đô và lựa chọn nó làm kinh đô của Thục. Nguyên do là nơi đây địa thế hiểm trở, dễ giữ, khó đánh, lại có đất đai màu mỡ, sản vật phong phú và giao thông thuận lợi, vô cùng thích hợp cho việc phát triển kinh tế cũng như xây dựng quân đội. Nhưng, quan trọng hơn, Thành Đô được Gia Cát Lượng lựa chọn vì nó sở hữu vị trí đắc địa, phù hợp để Thục đối trọng với 2 nước Ngụy và Ngô.
Việc xác định đúng thị trường ( Phân khúc thị trường + Dung lượng thị trường) chính là chìa khoá giúp người làm kinh doanh dễ dàng chinh phục thị trường tiềm năng. Bản thân người chủ doanh nghiệp cần làm rõ: “Thành Đô” sẽ là nơi nào? Thị trường đang cần hay mong muốn điều gì? Sản phẩm của ta có thể đáp ứng được những gì? Mục tiêu tầm nhìn có phù hợp hay không? Xây dựng chiến lược Marketing ra sao?…
Bên cạnh đó cũng cần xác định đúng đối tượng khách hàng đang nằm ở phân khúc nào vì đây sẽ giúp doanh nghiệp có chiến lược thích nghi phù hợp với đặc thù của từng thị trường địa phương. Ví dụ như các hãng xe hơi của Mỹ có thể rất thành công tại Mỹ nhưng lại thất bại tại thị trường Nhật Bản dù không bị tính thuế nhập khẩu cao, tại Nhật Bản các thương hiệu xe hơi của Mỹ bị mang tiếng là sản xuất những chiếc xe quá lớn so với giao thông đông đúc tại Nhật, đốt nhiên liệu không cần thiết và dễ bị hỏng trong vòng vài năm, dù đây là định kiến lỗi thời nhưng cũng cần thời gian và tác động để có thể thay đổi được. Vì vậy những người bán xe Mỹ sẽ phải nghiên cứu thay đổi nhiều khía cạnh và cả trải nghiệm khách hàng để có thể thành công hơn ở quốc gia này.
BÀI HỌC 6: Hợp tác chiến lược.
Trước trận Xích Bích, Nguỵ là quốc gia có thực lực mạnh nhất trong 3 nước và Tào Tháo đang dẫn quân bình định phương Nam với số lượng áp đảo. Trước tình thế đó, Thục nhận ra bản thân quá yếu để có thể chiến đấu một mình. Trong khi đó, Đông Ngô lại là quốc gia sở hữu vị trí then chốt, vì họ vốn quen thuộc với thủy chiến. Thế nên, để đẩy lùi Ngụy, Gia Cát Lượng, bằng tài ngoại giao của mình, đã thuyết phục Đông Ngô liên minh để kháng quân Tào.
Khi kinh doanh, thông thường, doanh nghiệp sẽ luôn gặp phải một đối thủ như Ngụy – lớn, mạnh hơn về mọi mặt và sẵn sàng thâu tóm toàn bộ thị trường. Nhưng, cũng sẽ có những công ty khác giống như Đông Ngô – quy mô trung bình và có tiềm năng tốt, vững chắc. Sẽ có lúc, người làm Chủ doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sự thật rằng không thể đương đầu trực diện với một đối thủ lớn mà cần thiết phải có kế hoạch liên minh chiến lược. Dù việc thuyết phục một ông chủ như “Đông Ngô” thiết lập quan hệ đối tác là không dễ dàng, song đó là điều cần thiết để đảm bảo sự “sống còn” của doanh nghiệp trong cuộc chiến giành thị phần.
Theo: tapchitaichinh.vn
————————
MBA Đường phố – Vườn ươm Hỗ trợ Khởi nghiệp Toàn diện
Website: www.mbaduongpho.com
Hotline: 0886 924 688
Email: hotro@mbaduongpho.com
Address: GENESIS Housing, 307 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội
#MBA_Đường_phố #MBA #Khởi_nghiệp #Startups #SMEs #Entrepreneur #Business_Plan